(Moitruong.net.vn) – Bí kỳ nam hay còn gọi là cây tổ kiến là loài thực vật dị thảo nhiều điều bí ẩn và có giá trị rất đặc biệt đối với môi trường tự nhiên cũng như con người. Mới đây, tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, loài bí này mới được phát hiện.
Phát hiện loài bí kỳ nam tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập
Cây bí kỳ nam là loài thực vật thuộc họ cà phê (rubiaceae) bộ long đởm (gentianales), chúng thường sống phụ sinh trên thân cây gỗ lớn (cao từ 15-30m). Loại cây này có thân hình kỳ dị, bộ phận ở dưới gốc phình to tạo thành hình củ lớn (củ mọng nước), bề ngoài sần sùi, nhìn giống một tổ kiến treo lơ lửng trên cây cao. Bên trong củ là những lỗ hổng chằng chịt nhìn như những đường hầm trong ổ mối. Nếu cắt đôi củ ra sẽ bắt gặp vô số con kiến nhỏ sinh sống ở đây, vì vậy người ta thường gọi là cây tổ kiến hay cây ổ kiến… Rễ mọc từ phía dưới củ, rễ nhỏ bám chặt vào thân cây chủ, phía trên củ mang cành lá; hoa màu trắng; trái nhỏ, hình trụ hơi dài, khi chín màu da cam.
Trên thế giới có khoảng 57 loài bí kỳ nam sinh sống trong những khu rừng nhiệt đới. Ở Việt Nam đến nay, các nhà khoa học mới phát hiện 2 loài, đó là bí kỳ nam kiến (Hydnophytum formicarum) và bí kỳ nam gai (Myrmecodia tuberosa). Ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, bí kỳ nam kiến và bí kỳ nam gai được ghi nhận năm 2007, tại các tiểu khu 14, 22 và 1. Chúng sống phụ sinh trên các cây thân gỗ thuộc họ dầu (dipterocarpaceae).
Ngoài hình thái bên ngoài rất kỳ dị, các nhà nghiên cứu còn phát hiện một điều thú vị từ bí kỳ nam. Tuy là loài sống phụ sinh trên thân cây khác nhưng chúng không hoàn toàn phụ thuộc vào việc lấy chất dinh dưỡng từ cây chủ mà nó xây dựng đời sống cộng sinh phức tạp với một số loài kiến để sinh trưởng và phát triển. Quá trình sinh trưởng của bí kỳ nam diễn ra phức tạp, bắt đầu cây con được tái sinh từ hạt giống, chúng bén rễ, bám vào sống phụ sinh trên các cây gỗ (lấy chất dinh dưỡng từ cây chủ). Sau một thời gian gốc tích tụ được nhiều chất dinh dưỡng và bắt đầu phình ra tạo thành củ, phần được gọi là củ có các lỗ nhỏ phát triển lớn dần lên, bên trong những lỗ này tiết ra một số chất dẫn dụ đàn kiến đến ăn. Đàn kiến đến ăn và di chuyển đàn về đây làm tổ. Từ đó bí kỳ nam không còn hút chất dinh dưỡng từ cây chủ nữa (chúng chỉ bám chặt vào cây chủ để tạo không gian sống) mà bắt đầu quá trình sống cộng sinh với loài kiến đã đến làm tổ. Củ bí kỳ nam ngày càng lớn nhanh và số lượng kiến trong tổ ngày càng đông, lượng chất dẫn dụ không còn đủ cho bầy kiến sử dụng nữa, bắt buộc kiến phải đi tìm nguồn thức ăn từ bên ngoài. Từ đây lượng chất thải cũng như lượng thức ăn dư thừa của đàn kiến lại cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây bí kỳ nam sinh trưởng, phát triển. Cây bí kỳ nam ngày càng to lớn cung cấp chỗ ở cho đàn kiến sinh sống. Ngoài ra, đàn kiến tiêu diệt các loại côn trùng có hại để bảo vệ cây bí kỳ nam, đó cũng chính là bảo vệ tổ của mình.
Theo các tài liệu nghiên cứu y học dân tộc của người dân bản địa tại khu vực Đông Nam Á, thì 2 loài bí kỳ nam phát triển Việt Nam có rất nhiều tác dụng trong điều trị bệnh cho con người. Tại Indonesia, người ta sử dụng củ bí kỳ nam kiến dưới dạng bột khô để điều trị bệnh đau đầu, phong thấp… Ngoài ra củ tươi sắc lấy nước uống trị bệnh thoát vị đĩa đệm, viêm dạ dày, bệnh tả. Ở Philippines, củ được thái mỏng, sắc lấy nước cốt uống điều trị bệnh viêm gan và đường tiêu hóa. Ở Thái Lan, bột của củ bí kỳ nam được sử dụng trị giun sán, làm thuốc bổ tim, điều trị các bệnh về xương khớp, vàng da, tiểu đường. Ở Malaysia, người ta sắc nước uống trị bệnh ung thư. Ở Việt Nam, theo kinh nghiệm của đồng bào S’tiêng tại Bù Gia Mập, đồng bào Êđê ở Tây Nguyên, bí kỳ nam được đun trong ống cây lồ ô tươi dùng làm nước uống chữa bệnh gan, vàng da, phụ nữ sau khi đẻ, đau nhức gân xương, vết tụ máu bầm tím.
Theo BP