(Moitruong.net.vn) – Chi tiết sai này là vềcuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung và nó có thể làm nhiều thầy cô và hàng chục triệu học sinh qua nhiều năm cứ hiểu sai như vậy.
Dưới đây là chia sẻ của thầy Vũ Quốc Lương (trường THCS Chu Văn An, Hà Nội):
Từ trang 64 đến trang 70 của cuốn Ngữ văn lớp 9 tập một (Nhà xuất bản Giáo dục) có trích hồi thứ 14 của cuốn “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” (Ngô gia văn phái) để cho giáo viên dạy và học sinh học về cuộc hành binh của Hoàng đế Quang Trung dẫn tới đại thắng xuân Kỷ Dậu (1789).
Có một chi tiết lịch sử mà tôi cho là sai, xin trích nguyên văn sách Ngữ văn lớp 9 tập một ở trang 64:
“Bắc Bình Vương lấy làm phải, bèn cho đắp đàn ở trên núi Bân (thuộc địa phận xã An Cựu, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế), tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi, chế ra áo cổn mũ miện, lên ngôi hoàng đế, đổi năm thứ 11 niên hiệu Thái Đức của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc làm năm đầu niên hiệu Quang Trung. Lễ xong hạ lệnh xuất quân, hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788).
Vua Quang Trung tự mình đốc xuất đại binh, cả thủy lẫn bộ cùng ra đi. Ngày 29 đến Nghệ An, vua Quang Trung cho vời người cống sĩ ở huyện La Sơn là Nguyễn Thiếp vào dinh và hỏi: …”.
Nếu Bắc Bình Vương (Nguyễn Huệ) lên ngôi Hoàng đế vào ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân thì có những sự vô lý sau:
1. Ngày 29 ra đến Nghệ An thì rõ ràng phải hiểu là ngày 29 tháng Chạp (vì ngày 25 tháng Chạp Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và xuất quân). Như vậy, đến mùng 5 tháng Giêng mà đã tiến vào giải phóng Thăng Long thì không thể dẫn quân chủ yếu là bộ binh đi nhanh như vậy. Ai cũng biết đêm 30 tháng Chạp năm Mậu Thân quân Tây Sơn bắt đầu vượt sông tấn công đồn Gián Khẩu, vậy chỉ có một, hai ngày đã vượt mấy trăm cây số? Không thể hành quân thần tốc phi lý như thế trên một quãng đường dài như thế.
2. Ra đến Nghệ An ngày 29 tháng Chạp năm Mậu Thân, vua Quang Trung còn dừng lại 10 ngày tuyển thêm vài vạn tân binh, tổ chức duyệt binh, tiếp danh sĩ Nguyễn Thiếp thì làm sao mùng 5 tháng Giêng lại ra giải phóng được Thăng Long? Chẳng lẽ thời gian quay ngược lại à?
3. Ra đến phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn, vua Quang Trung lại nói với các tướng: “Lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chẳng qua mươi ngày có thể đuổi được người Thanh” (trích nguyên văn Ngữ văn 9 tập một, trang 67).
Ở Tam Điệp – Biện Sơn vua còn nói mươi ngày có thể phá được giặc thì giải thích làm sao ngày 29 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788) vua và quân còn ở Nghệ An, mà vua ta anh hùng minh mẫn như thế lại nói sai như vậy được sao?
Tất cả chỉ sai đúng một chỗ, đó là Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế phải là ngày 25 tháng Mười một năm Mậu Thân (1788), tức là sách Ngữ văn 9 tập một và “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” đã ghi sai ngày Bắc Bình Vương lên ngôi mất một tháng.
Chiến dịch thần tốc của vua Quang Trung
Theo những tư liệu lịch sử mà tôi có thì các mốc chính của giai đoạn lịch sử đó là như sau:
1. Ngày 21 tháng Mười một năm Mậu Thân (1788) quân Thanh vào được Thăng Long (bỏ ngỏ). Ngày 22 Tôn Sĩ Nghị làm lễ ở điện Kính Thiên sách phong cho Lê Chiêu Thống làm An Nam Quốc Vương.
2. Ngày 20 tháng Mười một quân Tây Sơn rút về Tam Điệp – Biện Sơn cố thủ. Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết phi ngựa ngày đêm vào Phú Xuân cấp báo và ngày 24 thì vào đến Phú Xuân để cấp báo tin dữ.
3. Ngày 25 tháng Mười một năm Mậu Thân (1788) Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và tiến quân ra Bắc.
4. Ngày 29 tháng Mười một năm Mậu Thân (1788) vua Quang Trung ra tới trấn Nghệ An, dừng lại 10 ngày tuyển thêm vài vạn tân binh, làm lễ duyệt binh, đọc lời Hịch xuất quân hào sảng và tiếp danh sĩ Nguyễn Thiếp để hỏi ý kiến.
Như vậy quân Tây Sơn cũng được dưỡng sức, nghỉ ngơi 10 ngày.
5. Sau 10 ngày đó quân Tây Sơn tiến ra Bắc và ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788) vua Quang Trung ra tới phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn.
10 ngày để đi từ trấn Nghệ An ra đến phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn là một thời gian hợp lý.
6. Tại Tam Điệp – Biện Sơn vua Quang Trung phủ dụ các tướng Bắc Hà, xem xét các đồn phòng thủ của quân Thanh và nói: “Lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chẳng qua mươi ngày có thể đuổi được người Thanh” (trích nguyên văn sách Ngữ văn 9 tập một trang 67 tức cũng là “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” hồi 14).
Tại đây vua Quang Trung cho quân nghỉ ngơi mười ngày. Và câu nói mươi ngày có thể phá được giặc của vua Quang Trung là cực kỳ hợp lý với thời gian. Như vậy, chiến dịch thần tốc của vua Quang Trung nổi bật nhất là ở 5-6 ngày này: từ đêm 30 tháng Chạp năm Mậu Thân đến mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789). Trong 5-6 ngày vừa hành quân vừa chiến đấu trên một chặng đượng dài hơn 100 km là hợp lý và cũng rất thần tốc rồi.
Vì “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” và Ngữ văn 9 viết Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788) nên rất nhiều người hiểu lầm rằng vua Quang Trung đã hành quân cấp tốc trong có 10 ngày từ Phú Xuân ra đến tận Thăng Long hoặc là hiểu nhầm rằng vua Quang Trung đã hành quân cấp tốc ở Nghệ An từ ngày 29 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788) đến mùng 5 tháng Giêng Kỷ Dậu để giải phóng Thăng Long.
Những người có trách nhiệm với giáo dục nên sửa ngay vì năm học mới sắp đến tất lại phải in sách giáo khoa cho học sinh học thì thật là đau xót.
Nhà giáo Vũ Quốc Lương