Phát huy vai trò, trách nhiệm cơ quan chủ quản tạp chí

Mai Hạ|27/01/2024 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đề cập đến vai trò, trách nhiệm cơ quan chủ quản, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm yêu cầu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan tạp chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, phương hướng, kết hoạch hoạt động; Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh gía hoạt động của cơ quan báo chí, chấn chỉnh ngay tình trạng cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, xa rời đối tượng phục vụ.

Sáng 26/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị giao ban cơ quan chủ quản tạp chí.

27-bctc.jpg
Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông; Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức

Các đồng chí: Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự phối hợp của Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan chủ quản khác, báo chí ngày càng phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến, tham gia phản biện các chính sách, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có đóng góp quan trọng của các cơ quan tạp chí.

Các cơ quan chủ quản tạp chí đã phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động cơ quan tạp chí trực thuộc, nhất là chỉ đạo, định hướng nội dung thông tin. Nhiều cơ quan chủ quản đã chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của cơ quan tạp chí trực thuộc.

Song song với đó, một số tạp chí đã kịp thời bắt nhịp, thay đổi mạnh mẽ về nội dung và phương thức phát hành theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, thực hiện tốt chức năng định hướng thông tin, nghiên cứu lý luận, khoa học và hướng dẫn nghiệp vụ; chú trọng đi sâu vào những đề tài mới.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng các tạp chí vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí và thông tin trên mạng internet. Vẫn còn tình trạng tạp chí điện tử vi phạm pháp luật, “báo hóa” tạp chí - một trong những vấn đề đang gây rất nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng phóng viên, người làm báo các cơ quan tạp chí (chủ yếu là tạp chí thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp…) vi phạm pháp luật, bị khởi tố, bị xử lý hình sự vì các tội lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản, giả mạo công tác; tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động tạp chí, vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo có xu hướng gia tăng. Một số cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý, để các cơ quan tạp chí vi phạm nghiêm trọng về tôn chỉ mục đích, dẫn đến vi phạm quy định của pháp luật về báo chí, thậm chí vi phạm pháp luật bị cơ quan chức năng điều tra xử lý.

Trao đổi ý kiến tại hội nghị, đại diện các cơ quan chủ quan, lãnh đạo tạp chí đã làm rõ những vấn đề yếu kém, bất cập trong hoạt động của tạp chí trong thời gian qua. Đồng thời, đề ra các giải pháp khắp phục để hoạt động của tạp chí đi vào nền nếp, nhân văn, chuyên nghiệp.

27-bc.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị

Chia sẻ tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi khẳng định, những hiện tượng lệch lạc, sai phạm của tạp chí trong thời qua là bài học đau xót, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của người làm báo chân chính. “Chúng ta cần bàn đến các giải pháp thực sự cụ thể, hiệu quả và triệt để. Muốn vậy, phải tăng cường, đề cao trách nhiệm của chủ quản cơ quan báo chí bằng những văn bản và những quy định khác”, đồng chí Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

Đề cập đến Luật Báo chí (sửa đổi) đang được lấy ý kiến để trình Quốc hội thông qua, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đề nghị, phải sửa đổi Luật Báo chí thế nào để làm rõ, thể chế hóa quan điểm của Đảng về nền báo chí cách mạng Việt Nam. Nhà nước ta không có báo chí tư nhân, Luật Báo chí cần làm rõ đối tượng nào được thành lập cơ quan báo chí…

Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm khẳng định, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất cập của tạp chí trong thời gian vừa qua. Trong đó, khách quan cũng có, chủ quan cũng nhiều, có vấn đề mới nảy sinh nhưng cũng có nhiều vấn đề chúng ta cũng đã nhận diện từ lâu, tuy nhiên các giải pháp khắc phục là chưa quyết liệt và triệt để.

Đối với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, đồng chí Trần Thanh Lâm đề nghị cần tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các tạp chí về việc thực hiện các quy định trong giấy phép hoạt động. Tiến hành thanh tra, kiểm tra các tạp chí khi có dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định nếu có sai phạm.

Đối với cơ quan chủ quản, đồng chí Trần Thanh Lâm yêu cầu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan tạp chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, phương hướng, kết hoạch hoạt động; Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh gía hoạt động của cơ quan báo chí, chấn chỉnh ngay tình trạng cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, xa rời đối tượng phục vụ.

Đối với lãnh đạo các cơ quan tạp chí, đồng chí Trần Thanh Lâm chỉ đạo cần tiếp tục nhận thức, quán triệt thật sâu sắc và đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác báo chí không chỉ với tư cách là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản mà còn là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, là diễn đàn của nhân dân; Khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung quy chế hoạt động, quy trình tác nghiệp theo hướng minh bạch, công tâm, khách quan, chặt chẽ, khoa học, hiệu quả, đề cao sự chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai trò, trách nhiệm cơ quan chủ quản tạp chí