Về công nghệ xử lý chất thải rắn áp dụng tại Việt Nam đang phổ biến các hướng công nghệ. Đó là công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh; công nghệ ủ sinh học làm phân hữu cơ; công nghệ đốt gồm có đốt thông thường, đốt có thu hồi nhiệt. Ngoài ra còn có một số dự án áp dụng công nghệ mới như công nghệ xử lý chất thải rắn tạo khí biogas phát điện, công nghệ khí hóa xử lý chất thải rắn phát điện, công nghệ tạo viên đốt làm nguyên liệu, công nghệ đốt phát điện…
Về công nghệ đốt: Hiện các dự án mới triển khai tại Việt Nam chủ yếu áp dụng công nghệ đốt với các lò quy mô từ 10 tấn-400 tấn/ngày được thiết kế, chế tạo bởi kỹ sư và các nhà khoa học trong nước. Công nghệ đốt rác thải rắn thông thường, đốt thu hồi nhiệt được các nhà khoa học và kỹ sư trong nước làm chủ và nội địa hóa thành công. Công nghệ đốt chất thải rắn phát điện cũng đã được một số nhà đầu tư nước ngoài triển khai thực hiện. Mặt khác, một số công nghệ điện rác đang được các nhà khoa học, kỹ sư trong nước nghiên cứu và sẽ đua vào ứng dụng trong thời gian tới.
Công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh: Hiện tại, ở Việt Nam các bãi chôn lấp đã quá tải, có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh phần lớn là bãi rác tạm, lộ thiên, không có hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác, quá tải, không được che phủ bề mặt, không phun hóa chất khử mùi, không diệt côn trùng… Các bãi rác này, đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, sinh thái và ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người dân. Công nghệ chôn lấp hiện không được khuyến khích.
Ảnh minh họa
Công nghệ ủ sinh học làm phân hữu cơ: Thực tế, thời gian qua cho thấy, các dự án áp dụng công nghệ này không hiệu quả do thị trường khó chấp nhận sản phẩm phân hữu cơ từ CTR. Hiện nay, các cơ sở xử lý CTRSH thành phân hữu cơ chủ yếu sử dụng công nghệ ủ hiếu khí hoặc kị khí trong thời gian khoảng 40 – 45 ngày như: Nhà máy xử lý CTR SH Nam Bình Dương (công suất thiết kế 420 tấn/ngày); Nhà máy xử lý và chế biến chất thải Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh (công suất thiết kế 200 tấn/ngày); Nhà máy xử lý CTR Nam Thành, Ninh Thuận (công suất thiết kế 200 tấn/ngày, dự kiến sẽ nâng công suất lên 300 tấn/ngày)…
Công nghệ đốt có thu hồi nhiệt: Một số doanh nghiệp trong nước đã ứng dụng thành công công nghệ thu hồi nhiệt để sấy rác. Một số nhà máy xi măng, nhà máy giấy trong nước đã áp dụng công nghệ xử lý CTR thu hồi nhiệt, tận dụng năng lượng phục vụ sản xuất.
Công nghệ đốt plasma: Hiện tại công nghệ mới được thử nhiệm tại Việt Nam nhưng chưa có đánh giá về tính hiệu quả kinh tế – xã hội.
Công nghệ điện rác: Công nghệ đốt CTR phát điện đã được một số nhà đầu tư nước ngoài triển khai thực hiện ở Việt Nam. Phổ biến hiện nay là công nghệ điện rác áp dụng dụng lò đốt kiểu lò bậc thang Waterleau/ Martin. Một số công nghệ điện rác khác cũng đang được nghiên cứu tại Việt Nam như công nghệ lò đốt tầng sôi, công nghệ sản xuất khí Biogas phát điện từ quá trình lên men, công nghệ tạo viên nhiên liệu để đốt phát điện. Ngoài ra, công nghệ khí hóa phát điện đang được các nhà khoa học, kỹ sư Việt Nam nghiên cứu và hoàn thiện.
Nhà máy xử lý CTR công nghiệp phát điện đầu tiên của Việt Nam thuộc địa bàn xã Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội áp dụng công nghệ của Công ty Hitachi Zosen (Nhật Bản), công suất 75 tấn/ngày, đã được vận hành. Công nghệ phân loại và xử lý rác thải, sản xuất Biogas và phân bón khoáng hữu cơ công suất 245 tấn/ngày nhập khẩu của Đức do Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam đang thực hiện đã đưa vào vận hành dây chuyền phân loại, đang hoàn thành công đoạn khác để phát điện. Hiện tại ở Việt Nam nhà máy xử lý CTRSH phát điện tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ đã đi vào hoạt động từ tháng 12/2018.
Công nghệ xử lý nhiệt CTR khác: Công nghệ nhiệt phân bằng hơi quá nhiệt dựa trên sáng chế độc quyền tại Mỹ, đã áp dụng quy mô nhỏ tại Đồng Nai, đang được xin thử nghiệm tại Huế với công suất 200 tấn/ngày.
Trong áp dụng công nghệ điện rác, hiện nay có Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp phát điện đầu tiên ở địa bàn xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn-Hà Nội với công nghệ của Công ty Hitachi Zosen-Nhật Bản, công suất 75 tấn/này. Công nghệ chuyển hóa chất thải rắn thành điện do Công ty TNHH Thủy lực-Máy sử dụng khí tổng hợp synagas để chạy động cơ đốt trong phát điện. Công nghệ này đã thí điểm tại Nhà máy Cơ khí chế tạo thiết bị môi trường ở Khu công nghiệp Đồng Văn, tỉnh Hà Nam với có công suất 20 tấn/này và tại bãi rác Gò Cát, Thành phố Hồ Chí Minh công suất 50 tấn/ngày…
Điện rác đang là xu thế công nghệ hiện nay trên thế giới, nhiều dự án tại Việt Nam đang xin triển khai theo mô hình công nghệ này. Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định số 31/2014 ngày 5/5/2014 quy định về giá mua điện cho các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện rác. Việc áp dụng công nghệ điện rác giải quyết được vấn đề về môi trường và tận dụng năng lượng từ rác thải. Đây là công nghệ đáng được khuyến khích, phát triển trong thời gian tới.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phát triển các công nghệ xử lý chất thải rắn; đánh giá xem xét giới thiệu các công nghệ phù hợp để tạo điều kiện cho các địa phương tiếp cận. Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia trên lĩnh vực xử lý môi trường thì công nghệ xử lý chất thải rắn phát điện, Việt Nam vẫn chưa làm chủ và nhân rộng được. Lý do vì tổng mức đầu tư cao so với các công nghệ xử lý chất thải rắn khác, Nhà nước chưa có chính sách ưu đãi và cơ chế hỗ trợ cũng chưa phù hợp…
Đối với hoạt động thẩm định công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn và thẩm định các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật: Bộ Khoa học và Công nghệ đã đánh giá, thẩm định 19 công nghệ xử lý chất thải rắn đang sử dụng trong nước để tạo điều kiện áp dụng trên thực tế. Công tác xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn được tăng cường, hiện đã thẩm định và công bố 19 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan đến thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, góp phần tạo hành lang pháp lý quan trọng trong xử lý chất thải rắn, bảo vệ môi trường.
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan, địa phương và doanh nghiệp thực hiện đánh giá, lựa chọn các công nghệ xử lý trong nước; thí điểm mô hình xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện Việt Nam theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. Dự kiến sau khi các nhà máy điện rác đưa vào vận hành chính thức và hòa vào lưới điện quốc gia, Bộ sẽ tổng hợp và đánh giá lại công nghệ của một số dự án, xác định định mức phát điện cũng như tính hiệu quả của công nghệ.
Minh Anh (t/h)