Phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Mai Hạ|30/11/2024 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là vấn đề bức thiết của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam thì xu thế phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn đã và đang được nhiều quốc gia hướng tới.

Theo UNEP (Chương trình môi trường của Liên hợp quốc), kinh tế xanh được định nghĩa là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội.

Ở Việt Nam, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, đang là hướng đi tích cực nhằm giảm thiểu những tác động rủi ro của biến đổi khí hậu.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó khẳng định: “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”.

Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, đề ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hoà các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

29-vov1.jpg
Quang cảnh "Diễn đàn kinh tế xanh: Phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu"

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế xanh hướng đến sự ổn định, bền vững, thịnh vượng của đất nước, trong đó nêu rõ: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Phát biểu tại diễn đàn "Diễn đàn kinh tế xanh: Phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu" do Báo Điện tử VOV tổ chức, Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng ngành Môi trường, cũng là một trong các lĩnh vực phát thải khí nhà kính hàng đầu. Theo tài liệu nghiên cứu khoa học, cứ 1 tấn rác thải sinh hoạt đem chôn lấp sẽ phát thải khí metan tương đương 6,2 tấn CO2 trong 20 năm phân hủy tại bãi rác và phát thải từ 1 đến 1,7 tấn CO2 nếu đem đốt (gồm cả đốt thu hồi nhiệt để phát điện).

Hiện nay, tổng lượng phát thải rác sinh hoạt của cả nước là 65.000 tấn/ngày, trong đó khoảng 30% đốt sẽ phát thải khoảng gần 10 triệu tấn CO2 mỗi năm và 70% chôn lấp sẽ phát thải khảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm.

“Tin vui là doanh nghiệp Việt Nam đã có công nghệ khí hóa chất thải rắn (gồm cả rác thải sinh hoạt) hầu như không phát thải khí CO2 (75kg CO2/1 tấn rác). Công nghệ này đã được Bộ KHCN thẩm định công nhận thực nghiệm thành công quy mô thương mại và Bộ TNMT đo kiểm xác nhận kết quả môi trường, không có chất thải rắn phải chôn lấp (như tro bay, tro xỉ của công nghệ đốt phát điện), không có nước thải và khí thải đạt chất lượng cao hơn so với tiêu chuẩn phát thải của EU, Nhật Bản. Chi phí xử lý chỉ bằng 1 nửa so với công nghệ đốt rác phát điện vì phải bù lỗ qua giá bán điện đắt nhất trong các loại điện (10,05 cents USD/1kwh). Tin không vui là, các cơ quan quản lý nhà nước “ngoảnh mặt làm ngơ”, chỉ vì không tin trí tuệ Việt Nam, không phục nhau”, Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin.

Góp ý vào diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ công tác tại Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải cácbon ở Việt Nam cần khuyến khích giảm phát thải khí nhà kính xuyên biên giới, đòi hỏi phải có các cơ chế giải trình phát thải phù hợp. Hiện nay, các cơ chế chính sách để giảm khí nhà kính thường chỉ tập trung vào lượng khí thải trong phạm vi biên giới quốc gia hoặc khu vực, dẫn đến tình trạng chuyển dịch phát thải ra ngoài biên giới bằng cách chuyển các hoạt động thâm dụng cácbon sang các quốc gia khác. Để giải quyết vấn đề này và đảm bảo tính bền vững trong chiến lược giảm phát thải, cần phát triển các cơ chế giải trình xuyên biên giới, giúp tính toán tác động của các chiến lược kinh tế tuần hoàn một cách đầy đủ hơn. Hạch toán phát thải dựa trên mức tiêu thụ, tính toán lượng khí thải trong vòng đời của tất cả các sản phẩm tiêu thụ trong một quốc gia, có thể được áp dụng kết hợp với hạch toán phát thải dựa trên chuỗi sản xuất và tiêu dùng bền vững để cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ cho các biện pháp giảm phát thải xuyên biên giới. Tích hợp các cơ chế hạch toán phát thải xuyên biên giới vào các kế hoạch khí hậu quốc gia sẽ giúp Việt Nam và các quốc gia khác giảm phát thải khí nhà kính một cách toàn diện và hiệu quả hơn, đồng thời thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong phạm vi toàn cầu.

Biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn, nghiêm trọng hơn, trở thành một trong những vấn đề cấp bách toàn cầu. Biến đổi khí hậu đã và đang làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và mọi mặt của đời sống xã hội. Vì thế, phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là vấn đề bức thiết của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là xu thế của toàn thế giới và phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn đã và đang được nhiều quốc gia hướng tới.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Tổng giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng cho rằng, trong thời gian gần đây cả hệ thống chính trị đang bàn rất nhiều về những công việc cần chuẩn bị cho kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên vươn mình, được tính từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14. Để đạt được những thành tựu phát triển xứng đáng với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức cần có những cố gắng vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, cũng như cần những ý kiến góp ý rất trí tuệ, tâm huyết với sự phát triển của đất nước để giúp các nhà quản lý có các chính sách đúng đắn đóng góp vào sự phát triển mới...

Tại diễn đàn, các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng đã cùng thảo luận, trao đổi thông tin và đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa cũng như những thách thức khó khăn, vướng mắc, đồng thời đưa ra những cơ hội, chính sách mới trong phát triển kinh tế xanh bền vững gắn với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.