– Đến thăm quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP.Hải Phòng) vào những ngày đông, chúng tôi không chỉ được thưởng thức những món hải sản đậm chất thành phố Cảng mà còn được đắm chìm trong phong cảnh tuyệt đẹp của một trong những vịnh đẹp nhất cả nước. Chúng tôi không thể rời mắt trước hình ảnh những công nhân vệ sinh môi trường (VSMT) đang cặm cụi vớt rác, thu rác trên Vịnh trong tiết trời chỉ hơn 10 độ C và hình ảnh các du khách đang tận hưởng không khí trong lành nơi đây.
So với chuyến thăm khoảng 5 năm trước, chúng tôi cảm thấy vô cùng ngạc nhiên khi môi trường trên các vịnh ở đảo Cát Bà đã được cải thiện hơn nhiều
Nhiều đổi thay lớn
Khi đặt chân đến quần đảo Cát Bà lần thứ hai, chúng tôi khá ngạc nhiên vì môi trường vịnh ở đây có quá nhiều thay đổi so với chuyến thăm đầu tiên khoảng 5 năm trước. Làn nước trong xanh hơn xưa, không có nhiều rác nổi trên mặt nước, công nhân VSMT đi vớt rác, thu gom rác cả ngày trên chiếc tàu cũ kỹ, lạc hậu… Đó là những gì chúng tôi cảm nhận được trong cả hành trình trải nghiệm trên vịnh.
Nhiều khách du lịch nhận xét môi trường vịnh đã được cải thiện hơn xưa, hầu như không còn rác thải trôi nổi trên mặt nước
Có lẽ, nhiều du khách cũng có chung cảm nhận như chúng tôi nên họ rất hào hứng chia sẻ cảm nhận về môi trường nơi đây. Du học sinh Việt Nam ở New Zealand Tăng Thị Huyền Anh cho biết: Mặc dù đến thăm Cát Bà lần thứ 2 nhưng em vẫn rất thích thú. So với lần đầu em tới đây khoảng 5 năm trước, em khá hài lòng với các dịch vụ và VSMT nơi đây. Khi đi thăm đảo, không chỉ được ngắm những cảnh đẹp ở đảo Nam Cát, bãi Hoàng Tử… mà còn được ngắm nhìn dòng nước xanh biếc, không có rác nổi lềnh bềnh như trước. Trên Vịnh thấy có nhiều biển báo nghiêm cấm du khách và người dân xả rác, biển báo tuyên truyền bảo vệ môi trường. Đặc biệt, khi tham quan em đã gặp các tàu chở nhân viên đi vớt rác và thu gom rác.
“Em tin rằng với sự lao động vất vả của những công nhân VSMT và ý thức cao về bảo vệ môi trường vịnh của du khách thì trong vài năm tới, môi trường các vịnh ở Cát Bà sẽ có nhiều đổi thay tích cực hơn nữa” – em Huyền Anh mong muốn.
Có chung cảm nhận với chúng tôi và Huyền Anh, anh Fabio – người Ý cảm thấy rất hài lòng về cảnh quan và môi trường ở đảo. Anh Fabio vui vẻ cho biết: “Cảm giác vừa ngắm phong cảnh của đảo, vừa chạm tay vào dòng nước trong xanh thật thú vị! Từ lúc đặt chân lên tàu đi ra các vịnh, tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy không có nhiều rác ở đảo trong khi đây là một điểm du lịch nổi tiếng thu hút rất nhiều khách thăm quan trong và ngoài nước. So với những nơi tôi đã từng thăm quan ở Việt Nam, đây là nơi tôi cảm thấy hài lòng nhất, tôi đặc biệt ấn tượng với môi trường vịnh Cát Bà”.
Đổi thay trên bề mặt Vịnh, ai cũng có thể thấy được, nhưng để đánh giá chất lượng nước dưới lòng Vịnh đòi hỏi nhiều điều kiện khác nhau. Điều này xuất phát từ thực tế phát triển nghề nuôi lồng bè trên Vịnh những năm qua. Với 486 bè nuôi dàn trải trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, đặc biệt là vịnh Bến Bèo, vịnh Lan Hạ, đây có lẽ là khu vực trung tâm tạo ra lượng chất thải trực tiếp xuống lòng vịnh, gây ảnh hưởng đến môi trường nước.
Anh Đinh Khắc Tuấn – Chủ bè HP 270 đã hơn 5 năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên Vịnh khẳng định, việc nuôi cá gây ảnh hưởng đến môi trường nước. Nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu do nguồn thức ăn theo hướng “lấy cá nuôi cá”, tức là bà con khai thác hoặc mua cá nhỏ về xay, thả xuống các lồng nuôi cho cá ăn; phần thức ăn thừa cá không ăn hết sẽ lắng đọng, tích tụ gây ô nhiễm đáy biển. Hơn nữa, mật độ nuôi trồng cao, chất thải sinh hoạt không được xử lý, xả trực tiếp xuống Vịnh cũng làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước. Theo anh Tuấn, gia đình anh dùng biện pháp khử trùng định kỳ bằng hóa chất ở mỗi lồng để hạn chế ô nhiễm nước. “Tuy nhiên, không phải bè nào cũng khử trùng thường xuyên nên nước bẩn từ bè khác theo dòng chảy và cứ thế trôi sang nhà tôi”, anh Tuấn nói.
Phát triển môi trường bền vững
Đem những băn khoăn đến gặp Ban quản lý (BQL) các Vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, chúng tôi được Giám đốc BQL Đặng Đình Hỏa chia sẻ cởi mở về những vấn đề môi trường trên Vịnh. Dường như, điều mà chúng tôi thắc mắc cũng là nỗi trăn trở bấy lâu nay của vị lãnh đạo này.
Giám đốc BQL các Vịnh thuộc quần đảo Cát Bà Đặng Đình Hỏa nhấn mạnh: “BQL luôn ưu tiên vấn đề môi trường Vịnh lên hàng đầu!”
Theo ông Đặng Đình Hỏa, những năm gần đây cảnh quan môi trường trên Vịnh đã được cải thiện rõ rệt. Để làm được điều này BQL Vịnh Cát Bà đã thành lập đội công tác VSMT chuyên thu gom rác trên các tàu du lịch, các hộ nuôi lồng bè và vớt rác trôi nổi trên Vịnh. Với 13 thành viên chia làm 3 tổ ở các khu vực Cát Bà, Bến Bèo và Lan Hạ, đội VSMT hoạt động từ 8 – 9 giờ mỗi ngày. “Từ ngày có đội VSMT, ý thức của các hộ nuôi thủy sản và tàu du lịch thực sự được nâng cao”, ông Hỏa vui mừng nói.
Ông Đặng Đình Hỏa cho biết thêm, với chất thải chìm, BQL triển khai di chuyển các hộ nuôi thủy sản ở vùng ô nhiễm ra vùng không ô nhiễm; tìm giải pháp cho người dân đảm bảo nuôi thủy sản bền vững, bảo vệ môi trường; quy hoạch lại các lồng, bè và tàu du lịch.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và vị Giám đốc BQL Vịnh hết sức thân tình và thẳng thắn, ông một lần nữa nhấn mạnh “BQL luôn ưu tiên vấn đề môi trường Vịnh lên hàng đầu. Môi trường tác động đến cảnh quan cũng chính là ảnh hưởng đến du lịch trên Vịnh”.
Để cải tạo môi trường các Vịnh Cát Bà cần phải có những hành động và giải pháp thiết thực nhưng để thực hiện được thì quan trọng hơn cả là phải có kinh phí. Với 3 con tàu cũ thô sơ nhận từ đơn vị khác, BQL Vịnh đã nhiều năm vớt rác trên Vịnh bằng phương pháp thủ công. Ông Bùi Đức Đoàn – Tổ trưởng Tổ VSMT Bến Bèo và Lan Hạ cho biết, hiện tại, đơn vị vẫn tận dụng sức người để làm việc, nhưng địa bàn quá rộng trong khi tàu chở được khối lượng ít và chạy chậm do động cơ nhỏ nên công việc hết sức vất vả. “Biết là vất vả nhưng thật khó để có thể đầu tư được phương tiện tối ưu hơn vì không có kinh phí!”, vị Tổ trưởng buồn rầu nói.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Cát Hải Phạm Thị Thu Khanh cho biết về rất nhiều giải pháp để khắc phục và nâng cao chất lượng môi trường nước tại các khu nuôi trồng trên các Vịnh nhưng đều gặp khó khăn do không có kinh phí. Cụ thể, trong năm 2016, Phòng TN&MT huyện Cát Hải định hướng đi chuyên sâu vào các chương trình quan trắc chất lượng nước tại một số vị trí trên các khu vực vịnh Cát Bà, từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu nền, số liệu định kỳ hằng năm để tổng hợp biều đổ theo dõi mức độ ô nhiễm. Tuy nhiên, hiện nay còn gặp một số khó khăn do chưa được trang bị các thiết bị quan trắc phân tích mẫu, dẫn đến số liệu chỉ mang tính chất định tính.
Theo bà Khanh, UBND huyện Cát Hải đã yêu cầu các hộ trên Vịnh lắp đặt hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt; di dời các bè kinh doanh dịch vụ ra khỏi khu vực Bến Bèo để giảm thiểu áp lực môi trường ở khu vực đó…“Tuy nhiên, giải pháp này chưa thực sự khả thi do kinh phí quá lớn” – bà Khanh nhấn mạnh.
Trở lại Thủ đô Hà Nội lúc chiều tà, chúng tôi không khỏi trăn trở về những khó khăn của đảo Cát Bà. Mong rằng, các cấp chính quyền TP.Hải Phòng cần quan tâm và đầu tư hơn nữa nhằm tạo điều kiện triển khai, nâng cao hiệu quả các giải pháp xử lý ô nhiễm nguồn nước và bảo vệ môi trường trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.
(Theo TN&MT)