Phát triển năng lượng ở Việt Nam: Đề nghị loại bỏ những dự án ảnh hưởng đến dân cư, môi trường

Ánh Dương|13/03/2023 13:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nền kinh tế tăng trưởng ổn định của Việt Nam trong hai thập kỷ qua đã dẫn đến một nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng. Để đáp ứng nhu cầu này, Việt Nam đã xây dựng nhiều đập thủy điện trên các dòng sông. Những đập này đã có tác động đáng kể đến môi trường cũng như cuộc sống của những người dân địa phương.

Ở miền Trung Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua, nhiều dự án thủy điện có quy mô và công suất khác nhau đã được quy hoạch và xây dựng, đặc biệt là từ Quảng Bình đến Phú Yên và các tỉnh ở Tây Nguyên. Nhìn chung, thủy điện hiện đang đóng góp khoảng 35 – 40 % sản lượng năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, số lượng gia tăng nhanh chóng của các nhà máy thủy điện ở miền Trung Việt Nam đã làm gia tăng các vấn đề môi trường – xã hội và chúng ta đang phải đối mặt với những hậu quả bất lợi cho sự phát triển bền vững của toàn bộ khu vực.

du-an-thuy-dien-1-(1).jpg
Công trình thuỷ điện Hố Hô thời gian qua đã làm ảnh hưởng vùng hạ du

Thủy điện đòi hỏi một lượng nước lớn từ các con sông và phá hủy hệ sinh thái sông. Việc vận hành nhà máy thủy điện và nạn phá hủy rừng đang tạo ra xung đột về sử dụng nước; hủy hoại sinh kế và là nguyên nhân gây ra sự di cư của nhiều cộng đồng, những người có cuộc sống truyền thống lâu đời cạnh các con sông. Những người dân vùng hạ lưu cũng đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến nguồn nước và tác động xuyên biên giới bao gồm lũ lụt, thiếu nước và ô nhiễm nguồn nước.

Việc gia tăng xây dựng đập chính là nguyên nhân tái định cư bắt buộc của hàng ngàn người dân tộc thiểu số, người nghèo cũng như ảnh hưởng đến hàng chục ngàn người sống ở vùng hạ lưu, gây ra lũ lụt thường xuyên và bất ngờ. Khi nhà máy vận hành hồ chứa nhưng không cảnh báo trước hoặc không đủ thời gian cho người dân vùng hạ lưu chuẩn bị phòng chống lũ trong mùa mưa, thiếu hụt nguồn nước và chất lượng nước bị ảnh hưởng trong mùa khô.

du-an-thuy-dien-5-.jpg
Những người dân vùng hạ lưu cũng đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến nguồn nước

Một số tỉnh thành đề nghị loại bỏ dự án ảnh hưởng đến cư dân, môi trường

Sơn La được đánh giá là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, điện mặt trời. Giai đoạn 2016 – 2021, tỉnh Sơn La đã phát triển thêm được 22 dự án thủy điện nhỏ đi vào vận hành với tổng công suất 142MW. Tỉnh cũng đã trình Bộ Công thương bổ sung quy hoạch 21 nhà máy thuỷ điện nhỏ với tổng công suất trên 220MW. Qua thực tế giám sát, các địa phương thẳn thắng kiến nghị tỉnh cần loại ra khỏi quy hoạch đối với các dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế, ảnh hưởng lớn đến dân cư và tác động xấu đến môi trường; kiên quyết yêu cầu các thuỷ điện trồng bù diện tích rừng theo đúng cam kết; kiến nghị với Chính phủ sớm hoàn thiện, phê duyệt Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia, Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 để làm căn cứ cho các địa phương thu hút đầu tư các dự án năng lượng; phân cấp cho địa phương Cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án năng lượng tái tạo quy mô nhỏ (dưới 20MW).

du-an-thuy-dien-2-.png
Sơn La được đánh giá là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, điện mặt trời

Tại chương trình giám sát, trong 2 ngày mùng 7 và mùng 8/3 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La. Bà Hoàng Thị Đôi, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La đề nghị các sở, ngành tiếp tục hoàn thiện phương án phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, đảm bảo hiệu quả, bền vững, ít ảnh hưởng đến môi trường, dân sinh, xã hội.

son-la.jpg
Bà Hoàng Thị Đôi, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La

Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh Điện Biên có 53 dự án thủy điện đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ, với tổng công suất lắp máy dự kiến 557,3MW. Trong đó có 22 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư.Tuy nhiên, vừa qua đã có 4 dự án thủy điện vừa bị loại ra khỏi quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Điện Biên do ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái và đời sống nhân dân.

Lý do loại bỏ khỏi quy hoạch là do các dự án thủy điện này ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái và đời sống nhân dân; Dự án có quy mô công suất nhỏ, không khả thi, hiệu quả đầu tư thấp; Ảnh hưởng lớn đến điều kiện dân sinh, kinh tế xã hội, môi trường; Diện tích chiếm đất của dự án lớn; Dự án không đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt phục vụ nhà máy nước Điện Biên để cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ TP.Điện Biên Phủ và một phần huyện Điện Biên

du-an-thuy-dien-3-.jpg
Thủy điện vừa và nhỏ đem lại hiệu quả thấp nhưng gây tác động lớn đến môi trường đời sống nhân dân. (Ảnh minh họa)


Nhiều hệ lụy từ thủy điện nhỏ


Đắk Bla 3 là một điển hình về những bất cập mà thủy điện vừa và nhỏ gây ra tại KonTum.

Báo cáo đối thoại, tham vấn của Sở Công thương Kon Tum cho thấy, bên cạnh mặt tích cực, dự án khi triển khai sẽ làm mất đi cảnh quan hoang sơ; các ghềnh đá, bãi sông sẽ bị ngập trong lòng hồ thủy điện; việc du lịch bằng thuyền độc mộc phần nào bị ảnh hưởng. Dự án khi thi công sẽ tác động đến môi trường, ảnh hưởng đến việc thu hút khách du lịch tìm đến nơi yên tĩnh.

Theo ông Nguyễn Thanh Cao - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh cho rằng, sông Đắk Bla có vai trò quan trọng, bao bọc xung quanh thành phố, tạo cảnh quan đẹp, điều tiết khí hậu cho TP Kon Tum. Đây cũng là nơi sinh sống, là nguồn sống của đồng bào dân tộc nhiều đời ở Kon Tum.

Trên sông Đắk Bla trước đã có một thủy điện xây dựng. Thủy điện Đắk Bla 3 là thủy điện nhỏ, nếu xây dựng sẽ phá vỡ cảnh quan, tác động đến môi trường, làm mất đất sản xuất của dân, dòng chảy mùa khô không đảm bảo nên hạ du vào mùa khô sẽ bị cạn kiệt, nguồn lợi từ cá sẽ không còn. Do đó, ông Cao cho rằng, nếu đơn thuần dự án chỉ là xây thủy điện thì không nên làm.

du-an-thuy-dien-4-.jpg
Hình ảnh Sông Đắk Bla

Sông Đắk Bla đang bị chặt khúc để khai thác cát, giờ nếu xây dựng thêm thủy điện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến con sông này

Ngày 27.12.2012, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 43 quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện. Theo Thông tư này, việc nghiên cứu, lập quy hoạch bậc thang thủy điện trên các lưu vực sông chính và việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch thủy điện trên địa bàn cả nước thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương; việc nghiên cứu, lập quy hoạch thủy điện trên các lưu vực sông nhánh thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh.

Ngoài ra, các thành phần kinh tế trong xã hội cũng được chính quyền tạo điều kiện, cho phép nghiên cứu lập quy hoạch các dự án thủy điện để đầu tư xây dựng các dự án thủy điện vừa và nhỏ theo đúng các quy định của pháp luật. Theo đó, về tiêu chí môi trường - xã hội yêu cầu dự án không chiếm dụng quá 10ha/MW và không ảnh hưởng di dân quá 1 hộ/MW; phải tuân thủ quy định tại Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Điện lực...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển năng lượng ở Việt Nam: Đề nghị loại bỏ những dự án ảnh hưởng đến dân cư, môi trường