(Moitruong.net.vn) – Nhà nước cần sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền để giải quyết được bài toán tồn kho tro, xỉ, giảm bớt áp lực đối với môi trường.
Trong bối cảnh Việt Nam không làm điện hạt nhân nữa và các nguồn thủy điện lớn đã hết, ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường của Quốc hội cho rằng, nhiệt điện than là việc bắt buộc tiếp tục phải làm ở Việt Nam, không có cách nào, lựa chọn nào khác. Vấn đề là quản lý thế nào và giám sát các nhà đầu tư đảm bảo môi trường ra sao.
Hội thảo phát triển điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam diễn ra ngày 29/8
Với việc dừng dự án điện hạt nhân, trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, xét đến năm 2030, nhiệt điện than vẫn là hướng phát triển chủ đạo. Vì vậy, tìm kiếm công nghệ và giải pháp môi trường để giải quyết vấn đề phát thải như tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, để phát triển nhiệt điện than trong giai đoạn tới, cần ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến, hiện đại có các thông số hơi (nhiệt điện, áp suất) trên tới hạn và trên siêu tới hạn để nâng cao hiệu suất các tổ máy, giảm thiểu tiêu thụ nhiên liệu và giảm phát thải ra môi trường. “Phát triển nhiệt điện than cần đi đôi với bảo vệ môi trường…”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Chất thải từ nhà máy nhiệt điện than gồm cả chất thải rắn, lỏng và khí. Trung bình mỗi năm, các nhà máy nhiệt điện than thải ra 16 triệu tấn tro xỉ và thạch cao. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển tro xỉ đã xảy ra một số sự cố như việc phát sinh bụi tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2.
Hiện nay các nhà máy nhiệt điện than của EVN đều sử dụng hệ thống thiết bị lọc bụi tĩnh điện hiệu suất cao. Quy trình xử lý bụi và khí thải là quy trình đầy đủ, phổ biến của các nhà máy nhiệt điện đốt than trên thế giới. Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Nước làm mát tuần hoàn tại điểm đầu ra kênh thải luôn thấp hơn 40 độ C theo quy định. Các nhà máy nhiệt điện than tại khu vực phía Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình…) đều đã có hợp đồng với đơn vị tiêu thụ tro, xỉ… Tại miền Nam, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã ký hợp đồng với Công ty CP Đầu tư Mãi Xanh bao tiêu toàn bộ lượng tro xỉ của nhà máy trong toàn dự án để sản xuất vật liệu xây dựng, gạch không nung, kết cấu bê tông lấn biển và xuất thành phẩm qua Cảng Vĩnh Tân.
Theo TS. Trần Văn Lượng – Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương), để đảm bảo việc phát triển nhiệt điện than gắn với phát triển bền vững, ngoài sự vào cuộc của các nhà máy, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các nhà máy nhiệt điện than có thể chủ động xử lý các vấn đề môi trường của nhà máy.
Đối với các dự án xây mới sẽ áp dụng các công nghệ xử lý khói thải, nước thải tiên tiến (De-Sox, De-NOx, ESP khử bụi), đối với các nhà máy đang vận hành, sẽ tăng cường kiểm tra giám sát thực hiện đầy đủ các quy định vận hành, cải tiến, nâng cấp, lắp đặt thêm các hệ thống thiết bị xử lý môi trường; tăng cường các giải pháp xử dụng tro xỉ, thạch cao để sản xuất vật liệu xây dựng không nung, san lấp công trình xây dựng…nhằm đáp ứng các quy định về phát thải của Việt Nam cũng như của quốc tế.
H. Thu (T/h)