Phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam - Bài 3: Phế, phụ phẩm nông nghiệp – "Mỏ vàng" bị lãng quên

Hoàng Thơ|14/08/2024 14:18
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Các loại phế phẩm trong nông nghiệp đều có nguồn gốc hữu cơ và được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Tuy nhiên, hàng triệu tấn phế, phụ phẩm hiện nay vẫn đang bị lãng phí, gây ô nhiễm môi trường.

Dư địa khổng lồ từ phế phụ phẩm nông nghiệp

Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam có bước chuyển mình mạnh mẽ. Sản xuất nông nghiệp theo hướng thị trường, mang lại chất lượng và giá trị gia tăng cao cho người sản xuất. Sự gia tăng về số lượng và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp đồng nghĩa với lượng lớn phế, phụ phẩm khổng lồ cũng được tạo ra từ quá trình sản xuất.

phe-phu-pham-3.jpg
Phế phụ phẩm nông nghiệp là con số khổng lồ

Tổng lượng phế, phụ phẩm trong nông nghiệp của Việt Nam vào năm 2022 ước tính gần 160 triệu tấn. Lượng phế, phụ phẩm sau thu hoạch cây trồng trên đồng ruộng khoảng 90 triệu tấn (chiếm 56,2%). Trong đó, phụ phẩm trồng trọt sau thu hoạch từ rơm lúa chiếm khối lượng lớn (42,8 triệu tấn), thân cây bắp (10 triệu tấn), rau và quả (3,6 triệu tấn), thân cây mì (3,1 triệu tấn), trái giả đào lộn hột (3,1 triệu tấn) và các loại khác (6,1 triệu tấn). Trong đó có tới 61% là hữu cơ có thể tái chế được, chứa đựng lượng dinh dưỡng rất tốt, có thể hoàn trả, cải tạo bồi dưỡng lại cho đất.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng tạo ra lượng rác thải lớn hàng năm. Thông tin từ Bộ NN-PTNT, tổng lượng chất thải chăn nuôi năm 2022 lên đến 81,8 triệu tấn. Trong đó, chăn nuôi lợn chiếm 44,9%, bò thịt chiếm 26,7%, trâu chiếm 15,3%, gia cầm 8,1%, bò sữa 4,9%; chất thải lỏng phát sinh từ hoạt động chăn nuôi năm 2022 ước khoảng 379 triệu m³. Ước tính lượng chất thải chăn nuôi có xu hướng tăng dần theo các năm: 62 triệu tấn (2022), 68,15 triệu tấn (2025) và 71,92 triệu tấn (2030).

Đối với cây gỗ - thứ mà được “mặc định” thân thiện cũng tiềm ẩn rủi ro không nhỏ dành cho môi trường. Theo số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2022, Việt Nam sản xuất khoảng 30 triệu m³ gỗ tròn, thải ra 16 triệu m³ củi/năm và 8,6 triệu m³ mùn cưa, vỏ bào, gỗ vụn.

phe-phu-pham-lang-nghe.jpg
Số lượng phế phụ phẩm từ các làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng phát sinh lượng rác thải không hề nhỏ.

Ngoài ra, cả nước hiện có khoảng 2008 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận với 808.201 cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Hàng năm, các làng nghề tiêu thụ hàng trăm nghìn tấn mây, tre, song,…các loại. Dù chưa có thống kê chính thức về số lượng phế phụ phẩm từ các làng nghề nhưng có thể chắc chắn rằng quá trình hoạt động các cơ sở này cũng phát sinh lượng rác thải không hề nhỏ.

Cần biết rằng tất cả hoạt động trồng trọt, thu hoạch, bảo quản và sơ chế trong nông nghiệp ở trên đều phát sinh chất thải rắn là phụ phẩm nông nghiệp. Đây là các chất thải phát sinh trong quá trình trồng trọt chăm sóc như tỉa cành, làm cỏ...; những phần còn sót lại sau khi thu hoạch nông sản như thân cây, rơm, rạ, trấu, cám, lõi ngô, thân ngô; là bao bì đựng phân bón, bao gói hóa chất bảo vệ thực vật; các chất thải ra từ chăn nuôi, giết mổ động vật, chế biến sữa, chế biến thủy sản... Đây vừa là tiềm năng, vừa là bài toán cho phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Ở nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm, thuỷ sản phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải. Khác biệt hoàn toàn với các loại phế phẩm khác khó có thể tái tạo thì phụ, phế phẩm nông nghiệp vốn đã có "chức năng xanh" của chính nó. Các loại phế phẩm trong nông nghiệp đều có nguồn gốc hữu cơ và khả năng tái sử dụng vào các mục đích phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Nguồn nguyên liệu này cần được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Thậm chí, nhiều chuyên gia còn coi phụ phẩm nông nghiệp là “mỏ vàng” của ngành nông nghiệp, bởi nếu biết tận dụng và xử lý thành nguồn tài nguyên tái tạo sẽ mang lại giá trị cao, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

“Mỏ vàng” bị ngó lơ

Với số lượng phế phụ phẩm khổng lồ như hiện nay, phế, phụ phẩm gần như không thể phát huy được hết “chức năng xanh” vốn có của chúng. Ngược lại, đây còn là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường (đất, không khí và nước) do hoạt động vùi lấp yếm khí, xả bừa bãi và đốt bỏ hàng vụ của người nông dân.

chat-thai-chan-nuoi.jpg
Ngành chăn nuôi mới chỉ tận dụng được 23% chất thải để sản xuất phân bón hữu cơ.

Từ đầu những năm 2000, ngành chăn nuôi đã bắt tay vào công cuộc tái chế, sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp thông qua Dự án khí sinh học đã triển khai xây dựng hầm khí Biogas rộng khắp cho các hộ chăn nuôi. Thời gian gần đây, các trang trại chăn nuôi hiện nay đã hoàn thiện đầu tư công nghệ mới với kỹ thuật nuôi chuồng kín, thông gió cưỡng bức và chủ cơ sở đã xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường. Các hộ nhỏ lẻ cũng bắt đầu làm quen với việc sử dụng chế phẩm sinh học khử mùi chuồng trại, điển hình là các trang trại nuôi gia súc sử dụng đệm lót sinh học.

Tuy nhiên, dù đã bắt tay làm trong nhiều thập kỷ nhưng cho đến nay ngành chăn nuôi mới chỉ tận dụng được 23% chất thải để sản xuất phân bón hữu cơ. Trong đó, chỉ khoảng 50% chất thải rắn và 20% chất thải lỏng được xử lý trước khi thải ra môi trường. Còn lại đang bị bỏ phí, chưa được sử dụng để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi theo chuỗi liên kết tuần hoàn.

Báo cáo tổng kết của Cục Chăn nuôi năm 2022 cho thấy chỉ có 48,2% hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi có áp dụng các công nghệ kỹ thuật xử lý chất thải. Tỷ lệ hộ gia đình áp dụng các công nghệ xử lý còn rất khiêm tốn: đệm lót sinh học 1,8%, Biogas 6,8%, ủ phân 31,1%. Những con số phản ánh thực trạng “đáng buồn” so với kỳ vọng của ngành nông nghiệp vào việc xử lý phế, phụ phẩm chăn nuôi.

Còn đối với ngành nông nghiệp, phần lớn phế, phụ phẩm đang bị bỏ thừa, lãng phí, chưa có giải pháp đồng bộ cho việc xử lý. Chính vì vậy, sau mỗi vụ thu hoạch nông sản, bà con nông dân lại theo thói quen đem: lá, thân, gốc, rễ... vun thành đống cho quá trình phân hủy tự diễn ra, một số được đem đi chôn lấp hay đốt ngoài đồng.

Ngay như rơm rạ gắn bó mật thiết với đời sống bà con đã được khuyến cáo trong nhiều năm về việc tái sử dụng, tận dụng, phát huy lợi ích. Cho đến nay, số lượng lớn vẫn đang bị lãng phí: 29% rơm rạ được tận dụng làm thức ăn gia súc, 8,6% vùi bỏ tại ruộng, chỉ 5% rơm rạ được ủ làm phân bón, 4.1% tận dụng để che phủ bề mặt ruộng, 7% được sử dụng làm chất độn chuồng và nguyên liệu đồ thủ công mỹ nghệ. Đa số rơm rạ được tiêu hủy ngay tại ruộng bằng hình thức đốt, phương pháp này chiếm tới 45,9%. Số lượng lớn rơm rạ bị đốt này chính là nguyên nhân gây ra mất dinh dưỡng đất, phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường do khói bụi, suy giảm đa dạng sinh học.

phu-pham-5.jpg
Việc chưa tận dụng, tái chế, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên phế, phụ phẩm còn dẫn đến thực trạng ngành nông nghiệp đang “bỏ quên” một lượng sinh khối khổng lồ.

Hiện nay, Việt Nam mới chỉ tận dụng được 50% lượng trấu làm chất đốt, chế biến thức ăn gia súc, trấu viên, phân bón. 30% lượng cám gạo được sử dụng để ép lấy dầu. Lượng sắn tươi đưa vào chế biến hàng năm khoảng 11 triệu tấn với lượng vỏ sắn phát sinh khoảng 700 ngàn tấn, 4 triệu tấn bã sắn có thể tái sử dụng làm cồn sinh học, thức ăn gia súc. Ngành mía đường sản xuất 7-8 triệu tấn mía đường hàng năm phát thải 2,3 triệu tấn bã mía, 0,36 ngàn tấn mật rỉ và 400 ngàn tấn bã mùn, tro lò đốt. Tỷ lệ sử tái sử dụng bã mía khoảng 28%, 41% mật rỉ làm thức ăn chăn nuôi, 20% làm mùi thực phẩm, 12% làm bột ngọt. Số liệu báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản năm 2022 đã cho thấy hàng nghìn tỉ đồng nguyên liệu đang bị “ngó lơ”.

Việc chưa tận dụng, tái chế, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên phế, phụ phẩm còn dẫn đến thực trạng ngành nông nghiệp “bỏ quên” một lượng sinh khối khổng lồ. Theo đó, phần sinh khối phụ phẩm từ lúa, ngô, mía, rau các loại có thể cung cấp khoảng 43 triệu tấn hữu cơ, 1,8 triệu tấn đạm urê, 1,6 triệu tấn supe lân đơn, 2,2 triệu tấn kali sulfat. Đây được coi là con số rất lớn để bù đắp lại dinh dưỡng trong đất và sử dụng cho cây trồng trong canh tác nông nghiệp. Ðiều này được đánh giá là lãng phí trong khi nền nông nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu một lượng phân bón cực lớn mỗi năm.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, phụ phẩm từ chế biến thủy sản hiện có khoảng 1 triệu tấn. Hiện nay thu gom đưa vào chế biến, tạo ra sản phẩm hữu ích đạt 90%, còn lại thải ra môi trường. Hay như ngành lâm nghiệp, mức độ tận dụng phế phụ phẩm lâm nghiệp làm viên gỗ nén cũng chỉ đạt khoảng 15%.

Đây là nguồn phế, phụ phẩm rất lớn làm nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị. Tuy nhiên, việc sử dụng không hợp lý nguồn phụ phẩm này đang gây lãng phí lớn và làm tăng phát thải khí nhà kính, gây ô nhiễm môi trường. Theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp và môi trường, con số lãng phí từ phế phụ phẩm nông nghiệp có thể lên tới vài trăm ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Việc tái chế phế phụ phẩm nông nghiệp còn "mơ hồ"

Trên thế giới, nông nghiệp là ngành tạo ra nhiều việc làm nhất, nên cũng là một trong những ngành kinh tế lớn nhất và quan trọng nhất ở nhiều quốc gia. Do vậy, quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp bền vững trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều nước, với việc áp dụng các phương pháp và hệ thống công nghệ tiên tiến để tái tạo nguồn phế, phụ phẩm phát sinh trong quá trình thu hoạch và chế biến sản phẩm nông nghiệp.

phe-phu-pham-5.jpg
Phụ phẩm trong trồng trọt được dùng sản xuất viên nén, cồn công nghiệp, phát điện sinh khối, làm đệm lót sinh học chăn nuôi, phân hữu cơ...

Không ngoại lệ, từ nhiều năm nay, Việt Nam cũng đã đầu tư, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến để phát huy tối đa lợi ích kinh tế từ phế phụ phẩm. Trong đó phải kể đến việc phụ phẩm trong trồng trọt được dùng sản xuất viên nén, cồn công nghiệp, phát điện sinh khối, làm đệm lót sinh học chăn nuôi, phân hữu cơ... Chất thải chăn nuôi được quản lý bằng nhiều cách: Ủ phân compost, xử lý bằng chế phẩm vi sinh vật, công trình khí sinh học... Bột xương, bột gia cầm, bột lông vũ, mỡ động vật là các sản phẩm chính của ngành chế biến, các phụ phẩm giết mổ cũng bắt đầu được tận dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi... Khoảng 90% phụ phẩm chế biến thủy sản đã được thu gom, chế biến thành các sản phẩm có giá trị phục vụ cho sản xuất thức ăn, các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như collagen và một số thực phẩm ăn liền...

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định việc sử dụng, chế biến phế, phụ phẩm nông nghiệp hiện nay dù đạt được kết quả nhất định song có thể thấy, vẫn chưa đồng bộ, hiệu quả, lãng phí rất lớn, chưa tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cao và chưa xây dựng được thương hiệu có uy tín trên thị trường toàn cầu.

Nhìn nhận thực tế hiện nay, nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhất là của người dân về tái chế phế, phụ phẩm nông nghiệp, xử lý chất thải nông nghiệp vẫn còn “mơ hồ”, chưa được quan tâm. Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, sản xuất theo tập quán, thói quen.

Nói ngay đến việc tái chế được nhắc đến tràn lan trên các mặt báo, các trang thông tin, tái chế gần như trở thành khẩu hiệu của nhiều ngành nghề, trong đó có ngành nông nghiệp. Khẩu hiệu thì đã quen nhưng làm thế nào, tái chế ra làm sao thì cả nhà quản lý lẫn người dân đều rơi vào bài toán lúng túng, ấp úng. Việc tái chế phế phụ phẩm nông nghiệp dù đã có nhiều chương trình “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” được triển khai nhưng vẫn đâu vào đấy.

phe-phu-pham-4.jpg
Tỷ lệ các cơ sở sản xuất áp dụng các công nghệ xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp còn rất hạn chế, đặc biệt là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình.

Hiện nay, tỷ lệ các cơ sở sản xuất áp dụng các công nghệ xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp còn rất hạn chế, đặc biệt là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Hầu hết các hộ nhỏ lẻ sản xuất manh đều định hướng sản xuất theo hội chứng đám đông dẫn đến tình trạng nông sản phải “giải cứu’ và phế phụ phẩm nông nghiệp hầu như không được quan tâm đúng mức.

Hơn nữa, giá thành phế phụ phẩm tương đối thấp, hạn chế đầu ra, chi phí xử lý cao và nguồn nhân lực thiếu hụt là nguyên nhân khiến nhiều cơ sở sản xuất, đặc biệt là hộ gia đình lựa chọn phương án đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng. Đây là một trong những rào cản cho phát triển nông nghiệp tuần hoàn thời gian qua.

Một trong những khó khăn lớn mà việc tổ chức tái chế phế phụ phẩm nông nghiệp phải đối mặt đó là công nghệ tái chế. Trong khi phát triển kinh tế tuần hoàn phải gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến thì việc đầu tư nghiên cứu công nghệ cho sản xuất nông nghiệp và tái chế phế phụ phẩm phù hợp với điều kiện của người dân và phổ biến công nghệ cho kinh tế tuần hoàn còn hạn chế, chưa có giải pháp phù hợp với từng vùng, miền, từng nhóm sản phẩm, quy mô trang trại và doanh nghiệp.

phu-pham-8.jpg
Việc ứng dụng các công nghệ số trong việc tái chế phế phụ phẩm nông nghiệp mới chỉ dừng lại ở một số mô hình điển hình và các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính.

Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, khó khăn trong việc đầu tư đổi mới công nghệ tái chế, tái sử dụng cũng như vốn và nhân lực. Việc ứng dụng các công nghệ số mới chỉ dừng lại ở một số mô hình điển hình và các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính… Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, phế, phụ phẩm trong nông nghiệp còn “mờ nhạt”.

Để khắc phục hạn chế còn tồn đọng, thúc đẩy công tác công tác tái chế, sử dụng phế phụ phẩm, Việt Nam cũng đã ban hành khung chính sách cụ thể. Như điều 76 Luật Trồng trọt (số 31/2018/QH14) và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020 quy định rõ phụ phẩm cây trồng phải được thu gom, xử lý, sử dụng phù hợp, không gây ô nhiễm môi trường và lan truyền sinh vật gây hại. Hay tại Khoản 4, Điều 61 Luật bảo vệ môi trường 2020 quy định phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, sản xuất phân bón, sản xuất năng lượng hoặc phải được xử lý theo quy định; không đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng gây ô nhiễm môi trường.

Các quy định này đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy các hoạt động tuần hoàn, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, việc hướng dẫn cách thực hiện và quy định cụ thể tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đối với việc tuần hoàn, tái sử dụng còn chưa rõ gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Mặt khác, sự thiếu nhất quán và đồng bộ giữa các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các quy định về quản lý chất thải của Bộ Tài nguyên và Môi trường là một rào cản lớn để các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô lớn thực hiện việc tái chế và tuần hoàn chất thải.

dat-phat.jpg
Bộ NN&PTNT cũng đang xây dựng, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình nông nghiệp 4F (Thức ăn – Trang trại – Thực phẩm – Phân bón hữu cơ).

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, cần có chính sách khuyến khích đầu tư chế biến và áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Cùng với đó nâng cao hiệu quả nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong chế biến phụ phẩm nông nghiệp.

Bộ NN&PTNT cũng đang xây dựng, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình nông nghiệp 4F (Thức ăn – Trang trại – Thực phẩm – Phân bón hữu cơ), quy trình nông nghiệp tuần hoàn hở hoặc kín để có cơ sở thực hiện việc tiêu thụ các sản phẩm là phụ phẩm nông nghiệp trong thời gian tới.

Quá trình tái chế, sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để phát triển bền vững cần hoạt động liên kết “4 nhà”: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông. Trong đó, nhà nông là nòng cốt quan trọng trong mọi hoạt động nông nghiệp. Để phế, phụ phẩm nông nghiệp được khai thác hiệu quả, cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực đi vào đời sống của người dân.

Theo GS.TS. Võ Tòng Xuân, đối với phế, phụ phẩm từ các quá trình sản xuất nông nghiệp, Nhà nước nên cho vay ưu đãi cho doanh nghiệp mua sắm thiết bị chế biến phụ phẩm. Ví dụ trái cây không đạt chất lượng bán tươi sẽ được chế biến nước trái cây đóng hộp, trái cây sấy dẻo...; vỏ thanh long, vỏ khóm được ủ làm phân bón; phụ phẩm nhà đông lạnh thủy sản ủ hoặc lên men làm phân bón; phụ phẩm của lúa - rơm làm nấm rơm, phân bón; cám làm dầu cám và thức ăn gia súc; trấu làm than trấu, tinh chiết ra silica... Đối với rác nhà bếp gia đình nông thôn, cần vận động phong trào phụ nữ sản xuất phân hữu cơ vi sinh để trồng cây ăn quả quanh nhà (chuối, dứa/khóm, đu đủ, chanh, cam... tăng chất dinh dưỡng để tăng thể trọng mọi người trong gia đình).

“Việc thu gom, tái sử dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà sẽ giúp nông dân có cơ hội làm giàu”, GS.TS. Võ Tòng Xuân nói thêm.

hanh-la.jpg
"...Để phế, phụ phẩm nông nghiệp không còn là thách thức và trở thành cơ hội “vàng” cho sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam"- PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng chia sẻ.

Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, phế, phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên cực lớn của Việt Nam. Hầu hết chúng đều có thể tái chế thành nguồn nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất khác, tạo thành quy trình tuần hoàn trong nông nghiệp. Hiện nay, phế phụ phẩm nông nghiệp đã có công nghệ xử lý tiên tiến nên để khắc phục được thực trạng lãng phí, các đơn vị/doanh nghiệp phải quyết tâm làm đến cùng. Để tránh trường hợp “đánh trống bỏ dùi”, việc đưa chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp vào tiêu chí đánh giá sự phát triển của từng địa phương ngày càng trở nên cấp thiết.

“Vấn đề khai thác phế phụ phẩm nông nghiệp không chỉ dựa nguyên vào người nông dân mà yếu tố cốt yếu là nhà quản lý. Làm sao ưu tiên lợi ích và sự phát triển của người dân để họ nhìn thấy tín hiệu tích cực, khả quan từ việc tái chế, sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp. Khi đó, phế phụ phẩm nông nghiệp không còn là thách thức và trở thành cơ hội “vàng” cho sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam. Làm được điều này sẽ đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích của người dân và nhà nước, tiến tới toàn diện quá trình xã hội hóa”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Trước việc “mỏ vàng” bị lãng phí, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch và quyết định phát triển nông nghiệp tuần hoàn theo Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 60% phụ phẩm trồng trọt được xử lý, 80% phụ phẩm lúa gạo được thu gom và tái sử dụng, 60% nông hộ và trang trại chăn nuôi được xử lý chất thải.

Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng lượng phát thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp chiếm trên 15% tổng lượng phát thải; lượng khí thải được dự báo nếu không có sự can thiệp sẽ lên tới khoảng 120 triệu tấn CO2 vào năm 2030.

Bài liên quan
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đề nghị Trung Quốc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp
    Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp mà trọng tâm là hợp tác chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, nông nghiệp công nghệ cao. Đáp lại, Thủ tướng Lý Cường khẳng định sẵn sàng cùng Việt Nam đi sâu hợp tác thực chất, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung phát triển theo định hướng 6 hơn; cho biết Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông thủy sản, hoa quả chất lượng cao...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam - Bài 3: Phế, phụ phẩm nông nghiệp – "Mỏ vàng" bị lãng quên