Hà Nội hỗ trợ kinh phí bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

Mình Trang|03/06/2024 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong năm 2024-2025, UBND TP Hà Nội sẽ hỗ trợ kinh phí cho các huyện thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, nhằm cải thiện chất lượng môi trường thành phố, giảm phát thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Kinh phí của UBND thành phố Hà Nội sẽ được thực hiện bảo vệ môi trường trong 3 lĩnh vực gồm trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

img_7492.jpeg
Hoạt động đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Trong trồng trọt, thành phố dự kiến chi khoảng 68 tỷ nhằm cung cấp chế phẩm sinh học xử lý phụ phẩm cây trồng và mua thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật cũng như xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Năm 2024, thành phố sẽ cấp khoảng 6,2 tỷ đồng mua chế phẩm sinh học xử lý phụ phẩm cây trồng, hỗ trợ cho các huyện/thị xã Mỹ Đức, Sơn Tây, Mê Linh, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Gia Lâm, Quốc Oai trên diện tích khoảng hơn 5.181 ha.

Ngoài ra, cũng trong năm 2024, thành phố hỗ trợ 27 tỷ đồng để các huyện/thị xã Mỹ Đức, Thạch Thất, Sơn Tây, Thanh Oai, Phúc Thọ, Mê Linh, Chương Mỹ, Đông Anh, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Gia Lâm, Quốc Oai mua thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật cũng như xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Năm 2025, thành phố tiếp tục hỗ trợ 35 tỷ đồng cho các huyện thực hiện bảo vệ môi trường trong trồng trọt.

img_7491.jpeg
Gần 800 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội nằm trong kế hoạch được hỗ trợ chế phẩm sinh học để xử lý chất thải

Trong lĩnh vực chăn nuôi, khoảng 27,8 tỷ đồng sẽ được thành phố bố trí hỗ trợ các địa phương mua chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi.

Trước mắt, trong năm 2024 sẽ thực hiện hỗ trợ tại các huyện: Mỹ Đức, Sơn Tây, Thanh Oai, Ba Vì, Phúc Thọ, Mê Linh, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Gia Lâm, Quốc Oai. Dự kiến số lượng cơ sở được hỗ trợ là 341 cơ sở; tổng kinh phí hỗ trợ: 11,731 tỷ đồng.

Sang năm 2025, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ thực hiện chính sách tại các huyện: Mỹ Đức, Thạch Thất, Sơn Tây, Thanh Oai, Ba Vì, Phúc Thọ, Mê Linh, Chương Mỹ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Gia Lâm. Dự kiến sẽ có 457 cơ sở được hưởng lợi. Tổng kinh phí hỗ trợ theo ước tính vào khoảng 16,042 tỷ đồng.

img_7490.jpeg
Nuôi trồng thuỷ sản tại huyện Ứng Hoà (TP Hà Nội)

Trong nuôi trồng thủy sản, UBND TP Hà Nội sẽ bố trí gần 32,3 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản. Chính sách hướng đến mục tiêu chung là bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Trong năm 2024, TP dự kiến địa điểm thực hiện tại các huyện: Mỹ Đức, Thanh Oai, Ba Vì, Phúc Thọ, Mê Linh, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Phú Xuyên và Quốc Oai. Diện tích hỗ trợ: 1.181ha. Tổng kinh phí hỗ trợ: 17,131 tỷ đồng.

Năm 2025, dự kiến địa điểm thực hiện tại các huyện: Mỹ Đức, Thanh Oai, Ba Vì, Phúc Thọ, Mê Linh, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Quốc Oai, Phú Xuyên và Gia Lâm. Tổng kinh phí thực hiện chính sách: 15,15 tỷ đồng. Diện tích hỗ trợ: 1.054ha.

UBND TP Hà Nội giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện nội dung chính sách đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.

Sở NN&PTNT phối hợp với các huyện, thị xã và các ngành có liên quan tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất các giải pháp triển khai kế hoạch, kịp thời báo cáo UBND TP Hà Nội những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp là vấn đề nghiêm trọng nhiều năm qua tại các địa phương trên cả nước, trong đó có thành phố Hà Nội.

Ô nhiễm xuất phát từ các nguồn như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải chăn nuôi, hoạt động nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, trong những năm qua, hiện tượng đốt phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch tại các huyện ven đô của Hà Nội gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại các huyện/thị xã cũng như các quận nội thành.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội hỗ trợ kinh phí bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.