Trà Vinh sử dụng nguồn nước hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp

Hồng Trang|12/04/2024 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sản xuất nông nghiệp theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn nước đang được các địa phương của tỉnh Trà Vinh tập trung triển khai, như sử dụng nguồn nước ngầm tầng thấp (độ sâu từ 07 - 08m); hệ thống hồ chứa nước ngọt kết hợp với “tưới khô xen kẽ”, sản xuất giảm phát thải...

Ông Tạ Văn Tư, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang cho biết: gia đình có hơn 0,5ha đất động cát chuyên trồng màu được sử dụng nguồn nước tưới từ hồ nước ngọt. Hiệu quả của hồ nước ngọt mang lại rất cao cho người trồng màu, so với chi phí đóng giếng khoan để trồng màu rất thấp. Trung bình, phí phải trả cho bơm tát khoảng 05 triệu đồng/ha/năm và mỗi năm sản xuất 03 - 04 vụ màu, như đậu phộng, ớt, dưa hấu…

Năm 2016, Dự án AMD Trà Vinh, Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ xây dựng hồ trữ nước tại ấp Huyền Đức, xã Long Sơn với tổng vốn đầu tư 03 tỷ đồng trên diện tích hơn 01ha, dung tích 26.500m3, đảm bảo nguồn nước tưới cho khoảng 30ha đất giồng cát, gò cao của người dân ở ấp Huyền Đức trồng màu. Nhưng hiện nay, chỉ có khoảng 10ha trồng màu của 10 hộ sử dụng nguồn nước tưới từ hồ trữ ngọt.

Theo đồng chí Kim Sô Phan, Cán bộ Nông nghiệp - Môi trường xã Long Sơn: Việc hạn chế người sử dụng nguồn nước ở hồ chứa nước ngọt là do đường trục ống chính trước đây của dự án chỉ đầu tư kéo 01 đoạn khoảng 300m. Các hộ trồng màu hiện nay, muốn sử dụng nguồn nước phải tự đầu tư để kết nối mở rộng đường ống trục chính, nên người dân mong muốn địa phương có được nguồn vốn của Nhà nước tiếp tục hỗ trợ để mở rộng đường ống trục chính, khi đó, các hộ trồng màu mới đấu nối vào diện tích đất của gia đình để tưới màu.

su-dung-nguon-nuoc.png
Ảnh minh họa

Để phát huy hiệu quả nguồn nước ngọt trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trên cây lúa trước tình hình BĐKH, khô hạn, mặn xâm nhập… ngành nông nghiệp cũng đã khuyến cáo người sản xuất lúa không sản xuất lúa theo cách “trầm thủy” như trước đây.

PGS. TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp cho biết: Đã đến lúc trong sản xuất lúa, nông dân phải quý trọng nguồn nước ngọt và ứng dụng một cách phù hợp trong sản xuất lúa với từng chu kỳ sinh trưởng của lúa. Không chỉ đem lại sử dụng nguồn nước hiệu quả, mà còn góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong sản xuất giảm phát thải thấp, như ứng dụng “tưới ngập, khô xen kẽ”, “1 phải + 5 giảm”…

Trước thực trạng hiện nay đối với các hộ sử dụng nguồn nước ngầm với giếng khoan ở tầng sâu (từ 80 - 100m) đang có hiện tượng sụt nước và các giếng bơm không lên nước. Các hộ trồng màu ở khu vực các xã Mỹ Long Bắc, Long Sơn, Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang)… chuyển sang sử dụng giếng khoan ở tầng thấp (độ sâu từ 07 - 10m) để sử dụng tầng nước mặt.

Cũng theo đồng chí Kim Sô Phan, phần lớn các hộ trồng màu ở xã Long Sơn, nhất là khu vực động cát, triền giồng như Huyền Đức, Bào Mốt, Sóc Mới, Ô Răng… người trồng màu sử dụng nguồn nước mặt là chính, độ sâu khai thác nguồn nước khoảng 10m trở lại. Nguồn nước này khá tốt và dồi dào, phục vụ cho trồng màu là chính.

Ngoài ra, tỉnh Trà Vinh cũng đang triển khai dự án hạ tầng hồ chứa nước ngọt dọc bờ sông Láng Thé, với tổng mức kinh phí đầu tư 2.864 tỷ đồng. Dự án hồ chứa nước ngọt sông Láng Thé nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước tại các huyện Châu Thành, Càng Long và thành phố Trà Vinh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trà Vinh sử dụng nguồn nước hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp