Nguồn tài nguyên nước đa dạng, giàu tiềm năng
Thanh Hóa là tỉnh có tài nguyên nước phong phú, đa dạng và phức tạp. Trong đó, nguồn nước ngầm với 4 tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích đệ tứ và 22 tầng chứa nước trong khe nứt - Karst phân bố toàn tỉnh, đặc biệt phía Tây Thanh Hóa. Tổng trữ lượng 4 tầng chứa nước chính là 413.000 m3/ngày, phân bố không đồng đều. Riêng tầng chứa nước khe nứt - Karst chưa có nghiên cứu đánh giá đầy đủ. Do đó, tiềm năng khai thác nước ngầm là rất lớn, từ xa xưa, nguồn nước ngầm đã là nguồn cung cấp chính cho sinh hoạt và các hoạt động sản xuất, tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, nước dưới đất đóng vai trò rất quan trọng đảm bảo an ninh an toàn nguồn nước cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Về nước mặt, trên địa phận tỉnh Thanh Hóa có 4 hệ thống sông chính là sông Mã, Bạng, Yên, Hoạt, tổng lượng nước trung bình hằng năm là 19, 52 tỷ m3. Sông, suối tại tỉnh Thanh Hóa chảy qua nhiều vùng địa hình phức tạp, là tiềm năng khai thác thủy điện lớn. Tổng lượng nước trung bình hàng năm của hệ thống sông chính là 19,5 tỷ m3 so với tổng lượng dòng chảy trung bình trên địa bàn tỉnh từ 20 - 21 tỷ m3 hàng năm của toàn tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 610 hồ chứa và 1023 đập dâng. Hệ thống hồ chứa nước quan trọng cấp quốc gia và cấp tỉnh hiện có: Hồ sông Mực dung tích 174 triệu m3; Hồ Yên Mỹ 87 triệu m3; Hồ Đồng Ngư 764 triệu m3; Hồ Duồng Cốc 615 triệu m3; Hồ Cửa Đạt 1,45 tỷ m3.
Để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên nước, cùng với công tác tuyên truyền, hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Thanh Hóa ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước. Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chức năng của Sở TN&MT Thanh Hóa đã tích cực phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện công tác đo triều mặn trên hệ thống sông Mã, sông Yên và sông Bạng. Kết quả đo triều mặn đã bổ sung chuỗi số liệu phục vụ công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước, tính toán dự báo xâm nhập mặn phục vụ công tác chống hạn. Kết quả thực đo được gửi tới các ngành, địa phương liên quan trong tỉnh để có kế hoạch khai thác, sử dụng nước hợp lý, hiệu quả. Bên cạnh đó, hoạt động cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, cấp phép hoạt động tài nguyên nước cũng được ngành đặc biệt quan tâm…
Bổ sung chuỗi số liệu phục vụ nghiên cứu về triều - mặn, góp phần phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô năm 2023-2024, Sở TN&MT Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch thực hiện đo triều mặn trên hệ thống các sông Mã, sông Bạng, sông Yên năm 2024 và lựa chọn đơn vị thực hiện là Đoàn Mỏ - Địa chất Thanh Hóa. Mục đích của việc quan trắc là thu thập số liệu về độ mặn để bổ sung vào chuỗi số liệu điều tra, phục vụ cho công tác nghiên cứu, lập quy hoạch quản lý khai thác, sử dụng nước ngọt vùng hạ lưu các sông, đồng thời làm cơ sở tính toán, cung cấp các bản tin dự báo xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Tính đến trung tuần tháng 3/2024, sở đã hoàn thành việc đo triều mặn đợt 1 tại 16 trạm trên hệ thống sông Mã, sông Bạng, sông Yên và đang tiếp tục thực hiện việc đo triều mặn đợt 2 tại 6 trạm trên hệ thống sông Lạch Trường. Qua số liệu đo đạc tổng hợp đợt 1 năm 2024 cho thấy mức độ xâm nhập mặn trên hệ thống sông Mã, sông Bạng, sông Yên dao động phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2023. Đơn cử như, trên dòng chính sông Mã tại phường Quảng Châu (TP Sầm Sơn), độ mặn lớn nhất đỉnh triều dao động từ 16,70 - 22,10%o; độ mặn nhỏ nhất chân triều dao động từ 1,98 - 4,86%o. Tại phường Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa), độ mặn đỉnh triều dao động từ 0,24 - 0,66%o; độ mặn chân triều dao động từ 0,00 - 0,11%o. Độ mặn từ cửa biển vào tới 23,8km (phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa) là 1%o.
Trên sông Lèn, trong thời gian điều tra tại Lạch Sung, xã Đa Lộc (Hậu Lộc), độ mặn lớn nhất đỉnh triều dao động từ 16,01 - 20,3%0; độ mặn nhỏ nhất chân triều dao động từ 2,34 - 5,71%o. Tại Cự Thôn, xã Lĩnh Toại (Hà Trung), độ mặn đỉnh triều dao động từ 0,06 - 0,18%o; độ mặn chân triều dao động từ 0,02 - 0,05%o. Độ mặn từ cửa biển vào tới 17,8km (xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung) là 1%o.
Trên sông Yên mức độ xâm nhập mặn dao động phổ biến ở mức nhỏ hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ và thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Độ nặm 1%o có khả năng xâm nhập vào cửa sông tới 19,5km (xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương). Trên sông Hoàng, từ xã Quảng Phúc đến xã Quảng Long (Quảng Xương) mức độ xâm nhập mặn dao động phổ biến ở mức nhỏ hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ và thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, tại xã Quảng Phúc, độ mặn đỉnh triều dao động từ 0,05 - 0,28%o; độ mặn chân triều dao động từ 0,01 - 0,03%o.
Trên cơ sở kết quả đo, Sở TN&MT Thanh Hóa đã cập nhật và công bố bản tin về tình hình xâm nhập mặn trên các tuyến sông cho các ngành, các cấp để chỉ đạo các đơn vị thủy nông, các đơn vị khai thác, sử dụng nước vận hành hợp lý các công trình khai thác nước thuộc vùng sông ảnh hưởng của thủy triều trên hệ thống sông Mã, sông Yên, sông Lạch Bạng phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân trong vùng. Kết quả điều tra cũng góp phần bổ sung chuỗi số liệu về triều - mặn trên địa bàn tỉnh, làm căn cứ để nghiên cứu lâu dài, đánh giá khả năng nguồn nước ở vùng ảnh hưởng thủy triều.