Cụ thể, lưu vực sông Đà thiếu hụt 20 – 50% lượng nước, lưu vực sông Thao thiếu hụt 40 – 70%, lưu vực sông Lô – Gâm – Chảy thiếu hụt 5 – 10%, riêng hạ lưu sông Lô thiếu hụt 60 – 80%, hạ lưu vực sông Hồng thiếu hụt 20 – 30%.
Ở miền Trung và Tây Nguyên, nguồn nước trên các sông suối tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Lượng dòng chảy trên các sông thiếu hụt từ 15 – 70% và khả năng đến tháng 6 – 8/2020 mới có khả năng cải thiện.
Trong khi đó, theo Cục Quản lý tài nguyên nước, báo cáo của 55/63 tỉnh, thành phố đến tháng 3/2020 (chưa có Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Trị, Bà Rịa Vũng Tàu) cho biết, hiện có 4.416 công trình cấp nước sinh hoạt, với tổng lượng khai thác thiết kế đạt 10.9 triệu m3/ngày, tổng lượng khai thác thực tế đạt 8.3 triệu m3/ngày, đạt 76%, trong đó nguồn nước mặt chiếm 87% tổng lượng nước khai thác, tương ứng 7.4 triệu m3/ngày.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có 6/11 lưu vực sông hiện nay về tổng thể còn thiếu nước gồm: Lưu vực sông Mã, Sông Cả, Sông Hương, sông Vu Gia – Thu Bồn, Trà Khúc và sông Ba. Tuy nhiên, chỉ có lưu vực sông Mã là lưu vực mà các hồ chưa đang thiếu lượng nước đáng kể (khoảng 313,7 triệu m3), trong đó hồ Cửa Đạt chỉ còn lại 19% dung tích hữu ích khoảng 252 triệu m3, mực nước hồ Trung Sơn đang dưới mực nước chết.
Trước thực tế này, Cục Quản lý tài nguyên nước đã đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản điều chỉnh chế độ cấp nước cho hạ du, xem xét, điều tiết theo hướng sử dụng tiết kiệm, đặc biệt là điều chỉnh giãn cấp cho hạ sông Chu từ 60 m3/s xuống còn 35 – 60m3/s tùy từng thời điểm, ưu tiên cho cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và việc phát điện phải phù hợp với nhu cầu dùng nước trong bối cảnh thiếu hụt hiện nay.
Minh Anh (T/h)