Chủ động ứng phó dông lốc, mưa đá tại Nam bộ

Vân Khánh|09/04/2020 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Những ngày tới thời tiết ở Nam bộ ngày nắng, miền Đông có nơi nắng nóng; chiều tối và đêm có ‘mưa vàng’ giải nhiệt, cần đề phòng dông lốc và mưa đá.

Dự báo mấy ngày tới, khu vực Nam bộ chịu ảnh hưởng bởi rìa phía Tây Nam của lưỡi áp cao lạnh lục địa và là áp cao cận nhiệt đới. Thời tiết Nam bộ ngày nắng, miền Đông có nơi nắng nóng; chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, riêng ngày 9.4 và từ 12-14.4 có mưa dông rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to, trong cơn dông đề phòng có lốc, sét, và gió giật.

Cuối tháng 4 là thời điểm chuyển từ mùa khô sang mùa mưa nên thay vì các cơn “mưa vàng” giải nhiệt, sẽ xuất hiện nhiều cơn mưa chuyển mùa tăng dần cả về phạm vi và lượng mưa nên nhiệt độ cũng sẽ giảm làm nắng nóng giảm dần, sẽ có nhiều nước hơn cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất, khi đó xâm nhập mặn ở các tỉnh miền Tây cũng sẽ giảm.

Những ngày tới vẫn còn những cơn mưa giải nhiệt xuất hiện ở TP.HCM và Nam bộ

Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại với diễn biến thiên tai trên, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh/TP tại Nam bộ triển khai thực hiện một số nội dung:

Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Kiểm tra, rà soát nơi ở của người dân, nhất là những khu vực có nguy cơ cao xảy ra dông lốc, sét và mưa đá. Sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích, vật tư phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân và tổ chức khắc phục hậu quả được nhanh chóng, kịp thời hiệu quả.

Chỉ đạo cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tuyến thông tin cơ sở tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh như: gia cố, bảo vệ mái nhà dùng vật liệu dễ bị tốc, vỡ (proximăng, ngói); che chắn bảo vệ rau màu, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại.

Vân Khánh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Chủ động ứng phó dông lốc, mưa đá tại Nam bộ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.