Phát triển Sâm Ngọc Linh – cây giảm nghèo của bà con dân tộc

Ngọc Lan (T/H)|20/08/2018 22:45
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nghệ An: Chú trọng bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch biển

(Moitruong.net.vn) – Sâm Ngọc Linh là loại cây dược liệu tạo thu nhập cao nhất trong số các loại cây giảm nghèo hiệu quả. Bởi cây sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia có giá trị dinh dưỡng, giá trị dược liệu cao, có thể thích nghi với nhiều địa bàn vùng núi.

Sâm Ngọc Linh, loại dược liệu quý góp phần xóa đói giảm nghèo.

Sáng 20/8, tại TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh Quảng Nam, Cơ quan thường trú Liên Hợp quốc, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và các đối tác phát triển phối hợp tổ chức Diễn đàn Phát triển Dân tộc Thiểu số năm 2018 với chủ đề “Sâm Ngọc Linh – Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Diễn đàn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và lãnh đạo của các Bộ, Ban, Ngành Trung ương cũng như 400 đại biểu là lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế,…

Theo báo cáo về Giảm nghèo và Thịnh vượng chung ở Việt Nam được công bố bởi Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn vừa qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội: 4 triệu việc làm mới được tạo ra từ năm 2014; 3,3 triệu người thoát nghèo trong giai đoạn 2014-2016; mỗi năm có 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu.

Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam cũng có nhiều bước tiến lớn, cụ thể như tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 57% năm 2014 xuống 44% trong năm 2016; 90% đồng bào DTTS được tham gia bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ kể trên, đồng bào DTTS vẫn còn tụt hậu trên nhiều phương diện. Do đó, để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đồng bào DTTS và đồng bào đa số, trong giai đoạn tới cần có những chính sách, chương trình, định hướng tiếp cận mới. Một trong số đó là hướng tiếp cận sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung vào sản phẩm của đồng bào DTTS đặc biệt là nhóm các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ.

Trong số các loại cây giảm nghèo hiệu quả hiện nay thì sâm Ngọc Linh được đánh giá là loại dược liệu tạo thu nhập cao nhất. Đây là một trong những lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao. Ngày 12/9/2015, Chính phủ đã phê duyệt  đề án “Bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh- Sâm Việt Nam” đến năm 2030, với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Đến tháng 6/2017, Sâm Ngọc Linh chính thức được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia.

Diễn đàn Phát triển Dân tộc Thiểu số năm 2018 với chủ đề “Sâm Ngọc Linh – Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Tại Diễn đàn, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh, mô hình điển hình trong phát triển sản phẩm dân tộc thiểu số theo chuỗi.

Ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: “Vùng dân tộc và miền núi có nhiều lợi thế so sánh mà vùng khác không có như, tiểu khí hậu, thổ nhưỡng, sinh thái, thích hợp với một số cây ăn quả đặc sản, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể để tổ chức các tour du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái.

Diễn đàn phát triển dân tộc thiểu số năm 2018 được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam- quê hương của sâm Ngọc Linh, một sản phẩm quốc gia có giá trị dinh dưỡng, giá trị dược liệu cao, có thể thích ứng với nhiều địa bàn vùng núi được chọn làm điểm nhấn của Diễn đàn như là sự gợi mở cho các ý tưởng khởi sự kinh doanh phong phú, đa dạng khác”.

Phát biểu tại Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: “Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” là việc làm thiết thực, thông qua các minh chứng sống động, đặc biệt là Chuỗi giá trị Sâm Ngọc Linh và được chia sẻ từ chính những người trong cuộc.

Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện các chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Việc tổ chức Diễn đàn này thể hiện quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi, phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và đồng bằng cần có những chính sách, chương trình, cụ thể. Đó là hướng tiếp cận sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung vào sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các Lâm sản ngoài gỗ”.

Lâm sản ngoài gỗ có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội và môi trường của cộng đồng dân cư, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số. Trong số các lâm sản ngoài gỗ, có rất nhiều sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, giá trị dinh dưỡng dồi dào, giá trị dược liệu lớn.

Điển hình như cây Hà Thủ Ô, Tục Đoan ở vùng núi cao phía Bắc; cây Đinh Lăng, cây Ba Kích ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ; cây Hương Nhu trắng, Sâm Ngọc Linh ở vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; cây Trinh nữ Hoàng Cung, Sa Nhân tím ở vùng Tây Nam Bộ.

Ngọc Lan (T/H)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phát triển Sâm Ngọc Linh – cây giảm nghèo của bà con dân tộc
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.