– Trận đánh ném bom vào Sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975 mọi người đã biết, nhưng những câu chuyện “đằng sau” công tác chuẩn bị và tiến hành trận đánh thì chưa nhiều người biết đến.
Ngày 19/4/1975, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội và Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân (PK-KQ) Lê Văn Tri chuẩn bị lực lượng không quân tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn theo phương án sử dụng chính các máy bay cường kích A-37 thu hồi được của địch để đánh địch. Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã triển khai nhanh chóng một loạt các công tác chuẩn bị để kịp thực hiện trận đánh mang ý nghĩa quan trọng vào ngày 28/4/1975.
Niềm vui của các phi công Phi đội Quyết thắng trước trận đánh lịch sử. (Ảnh Tư liệu)
Về lực lượng phi công, Bộ Tư lệnh Không quân quyết định chọn các phi công MiG-17 để chuyển loại sang bay A-37 trong thời gian ngắn nhất có thể. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân chủng, anh hùng phi công Nguyễn Hồng Nhị – Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 371, cùng các đồng chí trong Sở chỉ huy tiền phương đã tuyển chọn các phi công MiG-17 ưu tú ở Đại đội 4 (Trung đoàn Không quân 923) để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này. Đó là các phi công đã có nhiều thành tích và kinh nghiệm trong chiến đấu như: Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng…
Về máy bay, Sở chỉ huy đã quyết định sử dụng số A-37 thu được của Không quân Ngụy, nhanh chóng phục hồi để đưa vào làm nhiệm vụ. Nhiệm vụ chủ trì công tác kỹ thuật, phục hồi đưa vào sử dụng máy bay A-37 được giao cho Thiếu tá Hồ Thanh Minh, lúc đó là Phó Phòng Kỹ thuật Sư đoàn 371.
Đại tá, phi công Nguyễn Văn Thọ được giao nhiệm vụ huấn luyện chuyển loại phi công từ MiG-17 sang A-37. Anh cho biết, thời điểm đó, anh đang bay kèm các phi công MiG-21 mới ở Sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) thì nghe cán bộ sư đoàn thông báo “Chuẩn bị quân trang, đi chuyển loại máy bay thu được của Ngụy tại Sân bay Đà Nẵng”. Ngay ngày hôm sau, Nguyễn Văn Thọ lên đường vào Đà Nẵng. Sân bay Đà Nẵng lúc đó còn vương khói súng, đây đó ngổn ngang các trang thiết bị, quân trang của lính Ngụy; ở cuối đường băng có một chiếc A-37 số hiệu 778 xẹp lốp, còn mang bom nằm cạnh đường băng, một chiếc A-37 khác, số hiệu 980 đầu máy bay đang hướng ra đường cất cánh, chắc đang cố lao lên đường băng để tháo chạy, nhưng tên phi công đã bị trúng đạn nằm chết bên cạnh..
Ngay sau khi vào sân bay, anh đến báo cáo đồng chí Trần Mạnh – Tham mưu phó Quân chủng PK-KQ đang trực tại sân bay mới thu được của địch. Đồng chí Trần Mạnh trực tiếp giao nhiệm vụ cho phi công Nguyễn Văn Thọ. Ông nói: “Bắt đầu từ ngày mai, đồng chí huấn luyện chuyển loại cho anh em phi công MiG-17 chuyển loại sang bay A-37, thời gian khẩn trương gấp rồi, chỉ cho phép học chuyển loại trong vòng 5 ngày trở lại”.
Nhận nhiệm vụ, phi công Nguyễn Văn Thọ ngỡ ngàng khi biết rằng thời gian chuyển loại bay A-37 trong vòng 5 ngày. Sau giây lát suy nghĩ, anh báo cáo: “Báo cáo Tham mưu phó, khi tôi chuyển loại bay MiG-17 phải mất thời gian 12 tháng, chuyển sang bay MiG-21 nhanh lắm cũng mất 30 ngày, còn bây giờ, chuyển loại A-37 chỉ có 5 ngày, sao tôi làm được. MiG thì dùng phanh bằng tay ở cần lái, còn A-37 phanh dùng 2 chân nằm ở bàn đạp, trong buồng lái hàng trăm cái đèn, đồng hồ, công tắc, đều là ký hiệu tiếng Anh”. Tham mưu phó – Trần Mạnh cười rồi chậm rãi và nói: “Đồng chí Thọ cứ làm đi, tôi tin đồng chí và các phi công của ta sẽ làm được, đồng chí là cán bộ trung đoàn, là chủ nhiệm bay, hơn nữa là giáo viên bay kỳ cựu, chắc chắn sẽ làm được”. Nói xong ông Mạnh vỗ nhẹ tay vào vai phi công Nguyễn Văn Thọ rồi đi ra ngoài cùng các phi công. Nguyễn Văn Thọ còn lại một mình, anh hiểu rằng đây là nhiệm vụ rất quan trọng, thể hiện sự tin cậy của cấp trên, do đó cần phải quyết tâm cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phi đội Quyết thắng cất cánh đi làm nhiệm vụ. (Ảnh Tư liệu)
Ngay đầu giờ chiều hôm đó, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Lê Văn Tri đến gặp phi công Nguyễn Văn Thọ. Ông nói rõ thêm về nhiệm vụ, về tầm quan trọng của trận đánh, về cách thức hoàn thành nhiệm vụ. Đứng bên cạnh Tư lệnh là hai người mặc quân phục, dáng vẻ gày gò. Tư lệnh Lê Văn Tri chỉ vào hai người đó và nói: “Đây là 2 phi công hàng binh của quân Ngụy là Nguyễn Văn Xanh và Trần Văn On. Xanh và On là phi công giỏi loại máy bay A-37, Nguyễn Văn Xanh đã có trên 800 lần/chuyến A-37 ném bom trước đây, tôi giao cho anh để sử dụng vào công việc huấn luyện chuyển loại”. Nguyễn Văn Thọ rất mừng khi có thêm 2 phi công bay A-37 thông thạo kỹ thuật lái loại máy bay này và tiếng Anh là thuận lợi cho công việc đang đòi hỏi thời gian rất khẩn trương này. Ngày hôm sau, để nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ, phi công Nguyễn Văn Thọ nói với nhóm phi công chuẩn bị chuyển loại: “Công việc chuyển loại máy bay A-37 trên chỉ giao 5 ngày thôi, vừa lý thuyết vừa thực hành bay – học lý thuyết 2 ngày, còn lại thực hành bay, ngày 25/4, bắt đầu thực hành bay, cấp trên chỉ thị rồi!”.
Đại tá Nguyễn Văn Lục và Đại tá Hán Văn Quảng – hai phi công trong “Phi đội Quyết thắng” kể lại: “Chuyện học lý thuyết của các phi công, lúc đầu chúng tôi nghĩ trước đây đã học nhiều, bay nhiều nên chắc không đến nỗi quá phức tạp, nhưng khi bắt tay vào học mới thấy không hề đơn giản, nhiều thứ khó khăn chẳng khác nào học viên bắt đầu vào học. Chúng tôi tranh thủ mọi thời gian, kể cả lúc ăn cơm, trước lúc đi ngủ vẫn truy bài lẫn nhau. Trong buồng lái đèn công tắc đồng hồ nhìn vào không nhớ hết vì tất cả chữ, ký hiệu là tiếng Anh, một người hỏi, người trả lời chỗ nào hay quên phải ghi vào tay, giở tài liệu ra xem để ghi nhớ”.
Riêng các phi công Từ Đễ và Hoàng Mai Vượng do đã vào Đà Nẵng trước từ ngày 20/4 nên có điều kiện thuận lợi hơn, hai anh đi theo tổ đặc nhiệm kỹ thuật máy bay, nghiên cứu học tập lý thuyết và thực hành mở máy, bay kiểm tra máy bay luôn. Tiếp đó, cấp trên điều thêm về phi công Nguyễn Thành Trung, vốn là phi công F-5 về cùng phi đội bay A-37.
Để đảm bảo máy bay cho trận đánh, Tổ đặc nhiệm kỹ thuật cũng được thành lập và được giao nhiệm vụ khẩn trương đi tìm máy bay A-37 ở các sân bay mới giải phóng địch để lại, kiểm tra, thông điện, nổ máy và tìm cách chuyển về Sân bay Đà Nẵng nhanh nhất để phục vụ công tác huấn luyện. Trong quá trình làm việc, Tổ đặc nhiệm kỹ thuật vinh dự được Thượng tướng Chu Huy Mân tới thăm và thông báo cho biết ngày 26/4 tới Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu nổ súng. Anh em thợ máy mừng và đều quyết tâm làm công tác kỹ thuật nhanh và tốt nhất để có nhiều máy bay A-37 tham gia chiến dịch. Mặc dù, gạo thực phẩm mang theo chỉ còn lại mấy thùng lương khô, nhưng anh em đã khắc phục khó khăn, sửa chữa máy bay suốt ngày đêm với quyết tâm phải có từ 6 đến 8 máy bay A-37 tốt, đủ điều kiện làm nhiệm vụ.
Vào lúc 8 giờ sáng ngày 26/4/75 điện từ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Lê Văn Tri “Nhanh chóng sử dụng máy bay thu được của địch tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh và chỉ được đánh vào chiều ngày 28/4/75, không được đánh vào các ngày khác”. Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri trực tiếp đi kiểm tra công tác chuẩn bị, kết quả huấn luyện, trình độ phi công, việc bảo đảm kỹ thuật chuẩn bị bom đạn. Sau khi kiểm tra đánh giá công tác chuẩn bị, Tư lệnh Lê Văn Tri nhấn mạnh: “Việc lắp, thả bom là khâu quyết định thắng lợi trận đánh, nếu phi công bay đến mục tiêu thả bom không được là hỏng trận đánh, vì vậy, Tổ đặc nhiệm chuẩn bị kiểm tra thật tốt từng đầu nổ các loại bom, từng cái móc treo bom, nút thả bom thật tốt, phải thử đi thử lại nhiều lần đảm bảo thông suốt tốt, phi công đến mục tiêu chỉ việc ấn nút, bom rơi nổ vào mục tiêu địch là thắng lợi”.
Ngày 27/4/1975, lúc 12 giờ 30 tại Sân bay Phù Cát (Bình Định), Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Lê Văn Tri, Tư lệnh Không quân Trần Hanh, Phó Sư đoàn trưởng Sư không quân 371 Nguyễn Hồng Nhị đã quyết định sử dụng 5 máy bay A-37 tham gia trận đánh. Về lực lượng phi công, các phi công chính thức gồm: Nguyễn Văn Lục – Phi đội trưởng, phi công Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng, Nguyễn Thành Trung và Trần Văn On (6 người). Cũng tại buổi giao nhiệm vụ cho Phi đội, Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri đặt tên cho phi đội dùng A-37 tấn công sân bay Tân sơn Nhất ngày 28/4/1975 là “Phi đội Quyết thắng”.
Vào lúc 9 giờ 30, sáng 28/4/75, theo lệnh trên, Sở chỉ huy tiền phương đã phát lệnh chuyển toàn bộ phi công, thợ kỹ thuật của phi đội đến Sân bay Thành Sơn để kiểm tra, chuẩn bị lần cuối cùng kỹ thuật, bom đạn, xăng dầu. Sau đó, Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri cùng các thành viên Sở chỉ huy và các phi công thống nhất quyết định chọn mục tiêu đánh. Trong các mục tiêu dự kiến như: dinh độc lập, Bộ tổng Tham mưu Ngụy, Cảng Nhà Bè, Sân bay Tân Sơn Nhất… Tư lệnh Lê Văn Tri nói: “Nếu chúng ta chọn mục tiêu là cơ quan Bộ tổng Tham mưu Ngụy, chắc gì quân Mỹ đã bỏ rơi quân Ngụy, do còn đường hàng không, Mỹ có thể quay trở lại gây trở ngại chúng ta. Vì vậy, Bộ Tư lệnh quyết định chọn mục tiêu là Sân bay Tân Sơn Nhất, các vị trí sân đỗ máy bay, kho tàng nơi cất dấu máy bay quân sự của Ngụy. Khi Sân bay Tân Sơn Nhất bị đánh sẽ làm các cơ quan còn lại của Mỹ nhanh chóng tháo lui, do lo sợ không còn đường hàng không, các đơn vị quân Ngụy sẽ rúng động, góp phần sụp đổ nhanh sức kháng cự, khiến quân Ngụy nhanh chóng đầu hàng”. Tư lệnh Lê văn Tri lưu ý thêm: “Khi đánh, cần quan sát không được đánh bom làm hỏng hai đường băng sân bay”.
Kế hoạch tác chiến của trận đánh được xác định như sau: Sau khi cất cánh, Phi đội bay theo đường bay từ Sân bay Thành Sơn, Phan Thiết, Hàm Tân, Sân bay Tân Sơn Nhất, độ cao bay bằng là 400m. Để giữ bí mật, trên đường đi phi công không sử dụng vô tuyến điện, chỉ được dùng ám tín hiệu. Thứ tự bay theo đội hình: bay số 1 – Nguyễn Thành Trung quen địa hình chỉ thị mục tiêu, số 2 – Từ Đễ, số 3 – Nguyễn Văn Lục, số 4 – Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On, số 5 Hán Văn Quảng bay sau cùng quan sát bảo vệ phía sau phi đội. Khi bay qua Hàm Tân nhìn thấy Sân bay Tân Sơn Nhất thì cho máy bay lên cao rồi bổ nhào vào mục tiêu. Sau khi tiếp cận mục tiêu, mỗi máy bay ném bom 2 đợt, đợt đầu 4 quả bom, đợt hai là toàn bộ cơ số đạn còn lại, rồi nhanh chóng thoát ly.
Mọi công tác đã chuẩn bị xong, đến 13 giờ chiều cùng ngày tại đài chỉ huy sân bay có mặt Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri và các cán bộ. Đại tá, phi công Nguyễn Văn Thọ ngồi ở vị trí chỉ huy máy bay cất cánh. Toàn sân bay báo động vào cấp 1, không khí căng thẳng chờ đợi. Riêng phi công báo động vào cấp 2, quần áo, giày mũ gọn gàng chờ lệnh cấp 1. (Cấp 1 là ngồi vào buồng lái mở máy lăn ra đường băng cất cánh). Không khí trên Sân bay Thành Sơn căng thẳng và hồi hộp chờ đợi. Đúng 16 giờ 25 phút, Tư lệnh Binh chủng Không quân Trần Hanh lệnh cho “Phi đội Quyết thắng” xuất kích. Lập tức từ đài chỉ huy một phát pháo lệnh đỏ bắn lên về phía chỗ chờ của phi công, các phi công nhanh chóng chạy ra máy bay ngồi vào buồng lái, từng máy bay mở máy có sự hỗ trợ của thợ máy, qua máy đối không. Đại tá Nguyễn Văn Thọ đã lệnh cho từng máy bay lăn ra đường băng, cất cánh theo kế hoạch. Tiếng động cơ máy bay, các xe phục vụ và tiếng bước chân người đi lại đã phá ta không khí im lặng chờ đợi căng thẳng trước đó. Các máy bay A-37 của phi đội cất cánh, mọi ánh mắt đều dõi theo, quan sát từng chiếc A-37 bay vút lên cao và chìm khuất dần vào trong bầu trời buổi chiều cuối mùa Xuân.
Sau khi bay vừa qua khu vực Hàm Tân, phi công nhìn rõ mục tiêu Sân bay Tân Sơn Nhất đã kéo máy bay lên độ cao theo kế hoạch, rồi từng máy bay bổ nhào về phía mục tiêu lúc 17 giờ 5 phút. Khi quan sát thấy số 1 – Nguyễn Thành Trung thả bom không ra, lập tức số 2 – Từ Đễ lao xuống thả 4 quả trúng mục tiêu. Tiếp theo các số 3, số 4, số 5 bổ nhào vào cắt bom, từng loạt bom nổ, các cột lửa, khói bốc cao bao trùm sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc đó chỉ huy sân bay, Chuẩn tướng Ngụy Hoàng Anh Tuấn bị đánh bất ngờ đã vội vàng dùng máy vô tuyến gào thét: “A-37 của không đoàn nào?”. Phi công Từ Đễ đáp lại: “A-37 của Mỹ ném bom Ngụy đây!”. Sau khi ném bom đợt 2 xong, lúc 17 giờ 22 phút, phi đội thoát ly, quay về Sân bay Thành Sơn theo tuần tự: số 1 – Hán Văn Quảng, số 2 – Từ Đễ , số 3 – Nguyễn Văn Lục, số 4 – Hoàng Mai Vượng, số 5 – Nguyễn Thành Trung. Khi bay về gần Phan Thiết, phi công Từ Đễ thông báo qua vô tuyến chú ý quan sát để tránh pháo cao xạ. Anh vừa dứt lời thì từ mặt đất pháo bắn lên đỏ rực, các phi công hạ thấp độ cao, bay tránh vòng ra ngoài khu vực trận địa pháo, cả phi đội bay về sân bay an toàn.
Qua vô tuyến, tình báo của ta được biết khi Sân bay Tân Sơn Nhất bị phi đội quyết thắng dùng A-37 đánh bom, tên tướng Ngụy đã ra lệnh cho 2 máy bay F-5 cất cánh bay chặn đón đánh phi đội A-37 khi quay về, nhưng một máy bay F-5 hỏng ắc quy nên phải thay sửa chậm thời gian cất cánh, khi 2 chiếc F-5 bay đuổi theo đến Phan Thiết, thấy còn cách xa không đuổi kịp “Phi đội Quyết Thắng” và cũng không biết phía ngoài có an toàn không nên chúng đành phải quay lại về hạ cánh ở Tây Ninh.
Phi đội về gần Sân bay Thành Sơn, khi chuẩn bị vào hạ cánh, máy bay số 2 – Từ Đễ đèn báo xăng dầu gần hết, vì vậy Từ Đễ phải tắt một động cơ để máy bay giảm bớt tiêu hao nhiên liệu và thông báo cho Biên đội và Sở chỉ huy biết. Lúc đó, phi công Hán Văn Quảng đã nhường cho máy bay Từ Đễ vào hạ cánh trước. Với kỹ thuật điêu luyện, Từ Đễ hạ cánh nhẹ nhàng, đưa máy bay vào đường lăn thì cũng là lúc máy bay hết dầu, động cơ ngừng hẳn. Cả 5 máy bay của phi đội lần lượt hạ cánh an toàn vào lúc 18 giờ 15 phút ngày 28/4/75 tại Sân bay Thành Sơn. Kết thúc thắng lợi trận đánh lịch sử, có một không hai của Không quân nhân dân Việt Nam.
Phi đội Quyết thắng chiến thắng trở về Sân bay Thành Sơn. (Ảnh Tư liệu)
Ở sân bay, mọi người nóng lòng chờ đợi phi đội hoàn thành nhiệm vụ trở về, có lẽ người nóng lòng nhất, mong chờ nhất là Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri, khi toàn phi đội vừa hạ cánh an toàn xuống sân bay, ông vội vàng chạy từ đài chỉ huy sân bay xuống khu vực sân đỗ, ôm hôn từng phi công, quá vui mừng xúc động, những giọt nước mắt lăn tròn trên má ông. Mọi người reo mừng chào đón “Phi đội Quyết thắng”, không khí trên sân bay náo nhiệt hẳn lên. Là những phi công chiến đấu, chúng tôi vui mừng và khâm phục các phi công của “Phi đội quyết thắng”, vì trước đây ít thấy cả một phi đội xuất kích chiến đấu thắng lợi trở về đủ cả 5 máy bay và phi công nguyên vẹn an toàn như “Phi đội Quyết Thắng”. Quả đúng ý nghĩa cái tên do Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri đặt “Phi đội Quyết thắng”, thật sự là quyết thắng.
Trận đánh đã phá hủy 24 máy bay quân sự của Mỹ – Ngụy, làm thương vong hơn 100 tên sĩ quan binh lính Ngụy. Trận đánh thắng lợi đã, góp phần cùng quân và dân ta giải phóng miền Nam, đồng thời lập nên một kỳ tích, ghi thêm một trang sử vàng trong truyền thống anh hùng của Không quân nhân dân Việt Nam.
Trong Lễ tổng kết Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Văn Tiến Dũng – Tổng tham mưu trưởng Quân đội, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đã nhận xét đánh giá trận đánh: “Là một trận đánh phối hợp tuyệt đẹp, một trận đánh hiệp đồng quân binh chủng đầy đủ nhất từ trước tới nay của Quân đội ta vào thời điểm hết sức quan trọng, có tác động lớn đến diễn biến chiến dịch đẩy địch đến hoảng loạn”.
Theo Như Ngọc (TC Môi trường và Cuộc sống)