Trong cuộc họp 2/11 tại Hà Nội về ứng phó với bão số 10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo “Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cần phối hợp với Tổng cục Thủy sản và các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão số 10 tập trung kêu gọi tàu, thuyền tránh trú vào nơi an toàn hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm, đồng thời sơ tán dân khỏi các lồng bè, chòi canh, những khu vực nguy hiểm trước khi bão ảnh hưởng tới đất liền.
Phó Thủ tướng yêu cầu bên cạnh việc chủ động ứng phó với bão số 10, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục khắc phục hậu quả đợt mưa lũ và bão số 9 vừa qua (nhà ở, bệnh viện, trường học, đường giao thông…).
Ngoài ra, cần đảm bảo an toàn hồ thủy điện, thủy lợi, đê điều (đặc biệt là những hồ xung yếu), cần có sự rà soát các hồ đập, tuyến đê xung yếu có nguy cơ mất an toàn để tu bổ, sửa chữa; thực hiện tốt công tác vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo quy định.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Không vì dự báo cơn bão số 10 không lớn mà chủ quan”
Nhấn mạnh đây là cơn bão phức tạp, khi vào đất liền gây mưa lớn có nơi lên đến 400mm ở Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị không được chủ quan, theo dõi sát sao diễn biến cơn bão để kịp thời thay đổi các phương án ứng phó cho phù hợp.
“Không vì dự báo cơn bão không lớn mà chủ quan. Các lực lượng cần tập trung rà soát tàu thuyền trên biển ra khỏi nơi nguy hiểm, đưa về nơi tránh trú an toàn; đồng thời, sơ tán người dân khỏi lồng bè, chòi canh, khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phải sớm hoàn thành bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt. Đây là vấn đề rất khó dự báo, cảnh báo, ứng phó. Tại nhiều nơi, người dân đã sinh sống ổn định vài chục năm, địa chất được đánh giá ổn định nhưng trong thời gian qua lại xảy ra sạt lở đất. Nhiều nước có điều kiện địa chất, địa hình tương tự Việt Nam cũng gặp phải nhiều sự cố sạt lở đất, khó dự báo dù đã áp dụng khoa học, công nghệ, các công cụ cảnh báo.
Từ thực tế trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với vai trò là đơn vị thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cần tổ chức các hội nghị, hội thảo có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, các nhà khoa học để phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt có tính thiết thực, ứng dụng hiệu quả trong phòng, chống thiên tai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chỉ đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 10, kịp thời ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo, truyền thông.
Các cơ quan truyền thông cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền theo hướng kịp thời, chính xác để thông tin được phủ khắp tới người dân, giúp họ biết, chủ động phòng tránh, ứng phó.
Ngay sau cuộc họp này, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cần ban hành Công điện chỉ đạo ứng phó với bão số 10.
Ngọc Linh