(Moitruong.net.vn) – Bằng nguồn lực của mình, Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển các ngành khoa học khí tượng, thủy văn để nâng cao khả năng dự báo, ứng phó hiệu quả với thiên tai. Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn được cộng đồng quốc tế, các quốc gia phát triển hỗ trợ nguồn lực, công nghệ trong lĩnh vực này. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh điều này khi tiếp ông Petteri Taalas, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) sáng 27/2 tại Trụ sở Chính phủ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp ông Petteri Taalas – Tổng Thư ký WMO
Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao vai trò của WMO và cá nhân Tổng Thư ký Petteri Taalas trong việc hỗ trợ các nước thành viên thực hiện công tác dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn, phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững.
“Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những hỗ trợ của WMO và ngài Tổng Thư ký trong việc nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, quan trắc, giúp các quốc gia ứng phó có hiệu quả, giảm thiểu tác động của thiên tai, ổn định và nâng cao chất lượng đời sống của người dân”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho biết, là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, những năm qua, Việt Nam đã phải chịu thiệt hại năng nề do thiên tai như: “Chúng tôi nhận thức rằng cần phải có các mối quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khí tượng, hình thành hệ thống cảnh báo sớm, với độ chính xác cao để có thể đưa ra những giải pháp ứng phó kịp thời.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ luôn sẵn sàng thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế hướng đến việc thực hiện phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra, đảm bảo việc vận hành tốt Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực; chuẩn bị cho việc trở thành trung tâm chỉ dẫn cảnh báo lũ quét cho khu vực Đông Nam Á; tích cực tham gia đóng vai trò chủ động và quan trọng trong các chương trình hợp tác, hoạt động của WMO.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị ông Petteri Taalas và WMO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và quan trắc, giám sát khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; mở rộng khả năng tiếp cận với cơ sở dữ liệu toàn cầu và công nghiệ dự báo hiện đại nhằm ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0; đa dạng hóa các bản tin dự báo, cảnh báo; nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khí hậu, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Đồng thời giúp đỡ, tạo điều kiện và ủng hộ Việt Nam trong quá trình tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu và các lĩnh vực liên quan khác; thực hiện tốt các điều ước quốc tế nhằm đảm bảo phát triển bền vững trong khu vực và trên toàn thế giới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; ông Petteri Taalas – Tổng Thư ký WMO; Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân; Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia Trần Hồng Thái và các đại biểu tham dự buổi tiếp chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu tại buổi tiếp, Tổng Thư ký WMO chia sẻ với Việt Nam về những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra thời gian qua và khẳng định, để có thể ứng phó hiệu quả với thiên tai, Việt Nam cần có năng lực cảnh báo sớm, với độ tin cậy cao, cũng như những công nghệ hiện đại.
Ông Petteri Taalas cũng đánh giá cao và đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực khí tượng, thủy văn, đặc biệt là chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đầu tư các trạm quan trắc tự động, hiện đại.
“Việt Nam hoàn toàn có khả năng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cảnh bảo, ứng phó với thiên tai toàn cầu”, ông Petteri Taalas nói và khẳng định WMO sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ trong lĩnh vực này.
“Chúng tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong việc huy động, kêu gọi nguồn lực để đầu tư cho việc nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý để huy động thêm nguồn lực từ xã hội”, Tổng Giám đốc WMO đề xuất. Ông Petteri Taalas cũng đề nghị Việt Nam sớm cử đại diện thường trực tại WMO.
WMO tiền thân là Tổ chức Khí tượng quốc tế (IMO) được thành lập vào năm 1873. Đến năm 1950, WMO được thành lập trên cơ sở Công ước về Tổ chức Khí tượng thế giới ký ngày 11/10/1947 và năm 1951 trở thành cơ quan chuyên ngành của Liên Hợp Quốc về khí tượng (thời tiết và khí hậu), thủy văn và những vấn đề khoa học liên quan đến vật lý địa cầu. WMO có hơn 190 nước và lãnh thổ thành viên.
Việt Nam là thành viên chính thức của WMO từ năm 1975. Tuy nhiên, trước khi thành lập nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, ngành khí tượng Việt Nam cũng đã tham gia WMO vào năm 1955.
Việt Nam đã được chọn làm Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực của WMO. Dựa trên các sản phẩm dự báo số trị toàn cầu, Trung tâm đã xử lý và tạo ra sản phẩm, chạy các mô hình khu vực phân giải cao tạo các bản tin dự báo và cảnh báo tới 5 ngày cho các nước Campuchia, Lào, Philippines, Thái Lan và Myanmar tham khảo và sử dụng. Ngoài ra, còn vận hành trang thông tin điện tử để trao đổi với các nước trong quá trình dự báo và cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trong khu vực dự báo.
Theo VGP