Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Đừng lo bệnh nhân Covid-19 nhiều, lo làm sao lần đúng dấu vết”

Ngọc Trang|03/02/2021 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia chống Covid-19 cho rằng đừng lo số ca nhiễm tăng nhiều, quan trọng nhất là lần theo đúng dấu vết.

Tại phiên họp trực tuyến thường kỳ của Chính phủ với các địa phương sáng ngày 2/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết tình hình dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát.

Cũng tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, công tác phòng chống dịch quyết liệt nhưng đúng mực, để thực hiện mục tiêu kép.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận, đến giờ phút này có thể nói Vân Đồn cơ bản là ổn, cơ bản kiểm soát được. Ở Chí Linh cũng cơ bản khống chế tốt. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chúng ta đừng lo ca bệnh nhiều, cái lo là làm sao lần đúng dấu vết”.

Quan điểm này được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói tại cuộc họp trực tuyến thường kỳ hàng tháng của Chính phủ về kinh tế – xã hội với các bộ ngành và địa phương, sáng 2/2.

Theo đánh giá của Trưởng ban chỉ đạo quốc gia chống Covid-19, hiện ổ dịch ở sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) đã khống chế được và ổ dịch ở TP Chí Linh (Hải Dương) đã cơ bản được khống chế tốt. Cơ quan chức năng đã phong tỏa lỏng trên toàn thành phố và chỉ phong tỏa thắt chặt đối với một số điểm.

“Đừng lo ca bệnh nhiều, quan trọng nhất là lần theo đúng dấu vết. Tôi lo nhất là ngày hôm kia, thanh niên ở Phú Thọ bị xác định là dương tính khi sang Nhật Bản. Nếu ca ấy mà dương tính thì rất phức tạp, nhưng cũng may đã có kết quả âm tính rồi”, ông Đam nói.

Đối với Hà Nội, theo ông Đam nếu không có tình huống đột xuất xảy ra, dịch bệnh tại đây cũng cơ bản được kiểm soát. Thủ đô đã thực hiện các biện pháp khẩn trương, quyết liệt nhưng bài bản và đúng mực.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phó thủ tướng cho rằng, không thể dừng hết hoạt động, giãn cách toàn bộ để chống dịch. Nếu chống dịch mà dừng hết các hoạt động thì dễ, khó là vẫn phải đảm bảo kinh tế phát triển, phục vụ mục tiêu kép. “Tinh thần thời gian tới là toàn hệ thống phải tiếp tục nâng cao cảnh giác với dịch bệnh. Tôi lo nhất là các tỉnh, những nơi chưa bao giờ phát hiện dịch vì chưa có kinh nghiệm, khi xảy ra dịch sẽ bị luống cuống”, ông Đam nói.

Theo ông Đam, những ngày qua, đội ngũ phòng chống dịch các cấp đã nỗ lực rất lớn và chưa lúc nào, ngành y tế có quyết tâm cao như hiện tại. Ngoài bộ não là các lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành, những cán bộ tuyến dưới, cán bộ cơ sở đang làm rất tốt với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Những tình nguyện viên giúp đỡ công tác truy xuất cũng đáng được biểu dương.

Phó thủ tướng cho biết khi có một ca bệnh được phát hiện, ngành y lập tức chia làm ba mũi triển khai. Mũi thứ nhất là lực lượng tế trực tiếp phát hiện, cách ly. Mũi thứ hai là lực lượng y tế, công tác chuẩn bị cơ sở phục vụ điều trị. Mũi thứ ba là công tác tập trung điều tra, dự đoán và phán đoán tình hình.

“Mỗi phần việc triển khai, tất cả lực lượng phải ra quân cấp tốc, không được chậm một phút nào. Chủng virus nCoV mới hay chủng nào thì cũng là virus. Nó nhanh hơn thì mình càng phải nhanh hơn nữa”, ông Đam nói.

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng trong tình huống xấu nhất, các bộ ngành và địa phương cần tính đến những giải pháp quyết liệt, mạnh tay để ứng phó. Theo số liệu, chủng virus nCoV đang phát triển ở mức độ rất nhanh. “Tuy nhiên, chúng ta không quá hoang mang nhưng không được chủ quan”, ông Bình nói.

Phó thủ tướng thường trực cũng đưa ra ba khả năng diễn biến dịch trong nước trong thời gian tới. Khả năng đầu tiên là Việt Nam có thể ngăn chặn, khống chế được dịch bệnh trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Khả năng thứ hai là dịch bệnh không được khống chế hoàn toàn, nhưng lây nhiễm cộng đồng chỉ ở mức thấp. Với khả năng này, ông đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 tiếp tục duy trì các biện pháp đã thực hiện. “Khả năng thứ ba xấu nhất là không ngăn chặn được dịch bệnh. Khi tình huống này xảy ra, các biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, thậm chí phong tỏa trên diện rộng cần được thực hiện”, ông Bình nói.

Để ứng phó mọi khả năng xảy ra, ông Trương Hòa Bình đề nghị các lực lượng áp dụng những kinh nghiệm, bài học trước đây như truy vết nhanh, phát hiện sớm, xét nghiệm tầm soát diện rộng. Các địa phương cần tập trung tối đa nguồn lực tài chính, trang thiết bị y tế và đề xuất chính sách trong phòng, chống Covid-19.

Trong khi đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị áp dụng bắt buộc khai báo y tế đối với toàn dân. Những trường hợp trở về từ vùng dịch mà trốn khai báo y tế phải xử lý hình sự để răn đe, nâng cao ý thức cho cộng đồng. Ông cũng yêu cầu khi phát hiện người từ nước ngoài về hay người về từ vùng dịch không khai báo, người dân cần thông báo với cơ quan chức năng. Nếu thực hiện không nghiêm túc vấn đề này thì còn phải giãn cách xã hội.

Ông Đam cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách thúc đẩy phát triển vaccine trong nước. Khi chất lượng vaccine trong nước đạt yêu cầu nhưng giá rẻ hơn vaccine nước ngoài, Chính phủ cần ưu tiên dùng vaccine trong nước.

Về vaccine, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng chắc chắn phải mua, tuy nhiên cần nghiên cứu thị trường, đơn vị cung cấp nào tốt nhất để triển khai.

Ngọc Trang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Đừng lo bệnh nhân Covid-19 nhiều, lo làm sao lần đúng dấu vết”
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.