Phòng chống bệnh gia súc, gia cầm ngay từ cơ sở

Minh Anh|09/09/2020 05:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến bất thường nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao. Do vậy, cơ quan chức năng cũng như các địa phương cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ngay từ cơ sở, không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT Hà Nội), từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn ra với tính chất lẻ tẻ, chỉ xảy ra các bệnh thông thường như: Tụ huyết trùng, tiêu chảy, viêm phổi…

Vào dịp cuối năm, thường thì tổng đàn gia súc, gia cầm và mật độ chăn nuôi đều gia tăng. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, nguy cơ dịch bệnh đe dọa đàn vật nuôi ở thời điểm này là rất cao bởi thời tiết thay đổi, khí hậu diễn biến phức tạp làm giảm sức đề kháng của vật nuôi và tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát tán rộng. Hơn nữa việc vận chuyển gia súc, gia cầm giữa các địa phương tăng cao để phục vụ nhu cầu cuối năm dễ dẫn đến lây lan dịch bệnh.

Ảnh minh họa

“Đặc biệt, chăn nuôi nhỏ lẻ ở Hà Nội chiếm tới 60% nên luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là các bệnh nguy hiểm như: Bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng. Chưa kể, Hà Nội có 738 cơ sở giết mổ nhưng có tới 673 cơ sở giết mổ thủ công trong khu dân cư rất khó kiểm soát”, ông Nguyễn Ngọc Sơn thông tin.

Ngành thú y Hà Nội đã chỉ đạo mạng lưới cán bộ thú y các quận huyện, các xã, phường, thị trấn tăng cường đào tạo tập huấn tham mưu cho chính quyền địa phương, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn ngay từ cơ sở. Tập trung giám sát chặt chẽ bệnh đàn gia súc gia cầm đến thôn, xóm, cụm dân cư; Duy trì nghiêm chế độ báo cáo hàng ngày theo đường dây nóng phòng, chống dịch bệnh của TP; Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, dự tính, dự báo dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chẩn đoán dịch bệnh khi nghi ngờ có ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra.

Tiêm phòng gia súc, gia cầm là việc trọng tâm để chủ động phòng chống dịch bệnh; thực hiện tiêm phòng 2 đợt đại trà/năm và tiêm bổ sung hàng tháng cho gia súc, gia cầm phát sinh, nhập đàn (các loại vắc-xin được tiêm phòng gồm cúm gia cầm, tai xanh, lở mổm long móng, dại…).

Đồng thời, đảm bảo tiêm phòng cho 100% đàn trâu, bò, lợn nái, đực giống, đàn gia cầm sinh sản, vắc-xin Dại cho đàn chó mèo đạt trên 93 % trong diện tiêm. Đối với đàn gia súc gia cầm thương phẩm tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, khuyến cáo để người người dân chủ động thực hiện.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện tốt công tác quản lý giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và hành nghề thú y. Tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y đối với động vật, sản phẩm động vật. Kiểm tra, kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động động vật ra, vào TP.

Một giải pháp quan trọng được đề ra là chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất công tác phòng chống dịch, tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc, quản lý và sử dụng vật tư, hóa chất, vắc xin tại các cơ sở, các địa phương. Kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, đặc biệt kiểm dịch nhập về địa bàn Hà Nội.

Cùng với đó, phối hợp các tỉnh, TP trong công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, đặc biệt kiểm soát việc vận chuyển kinh doanh gia súc, gia cầm lưu thông trên địa bàn Hà Nội. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, hành nghề thú y làm lây lan dịch bệnh hoặc hành nghề trái phép.

Minh Anh 

Bài liên quan
  • Hà Nội: Đề xuất mở mới 10 tuyến xe buýt sử dụng năng lượng sạch
    Moitruong.net.vn – UBND TP Hà Nội vừa giao Sở Tài chính nghiên cứu kiến nghị của Sở Giao thông vận tải, báo cáo thành phố trong tháng 9-2020 về Đề án đầu tư phương tiện, tổ chức hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch (xe điện) có trợ giá trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phòng chống bệnh gia súc, gia cầm ngay từ cơ sở