Bỏng lạnh gây tổn thương bề mặt da gây sưng hoặc mất cảm giác nóng lạnh.
Bỏng lạnh có thể xảy ra khi để da tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt lạnh như đá, vật dụng kim loại hay chất lỏng lạnh. Kiểu tiếp xúc này có thể tác động ngay đến bề mặt da và gây tổn thương. Để cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ thấp liên tục trong thời gian dài và không mặc áo ấm cũng có thể gây ra tình trạng này.
Những người lớn tuổi, trẻ nhỏ, người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc uống nhiều rượu có nguy cơ mắc chứng bỏng lạnh cao hơn do cơ chế nhận biết nhiệt độ của cơ thể bị suy giảm.
Ở mức độ đầu, bỏng lạnh gây tổn thương bề mặt da gây sưng hoặc mất cảm giác nóng lạnh. Vùng da tổn thương có thể xuất hiện bọng nước, dần chuyển sang màu đen và cứng lại. Tình trạng này kéo dài dai dẳng gây đau và khó chịu cho người bệnh trong khoảng 2 – 3 tuần. Ở cấp độ nghiêm trọng, bỏng lạnh có thể ăn sâu vào da gây phù nề, loét thậm chí là hoại tử nếu không được điều trị kịp thời. Trong trường hợp ở trong môi trường có nhiệt độ thấp quá lâu, bỏng lạnh có thể làm hạ thân nhiệt gây hôn mê, co giật và nguy hiểm đến sức khỏe.
Bỏng lạnh có thể dẫn đến các biến chứng như: Tăng nhạy cảm với lạnh; tăng nguy cơ bị tê cóng trở lại; tê cóng các vùng da tổn thương lâu dài; đổ nhiều mồ hôi; biến đổi màu da; thay đổi hoặc mất móng; cứng khớp; khuyết tật về tăng trưởng ở trẻ em; nhiễm trùng; uốn ván; hoại tử do dòng máu đến vùng da tổn thương bị gián đoạn, có thể dẫn tới phải cắt cụt chi; hạ thân nhiệt…
Các dấu hiệu khi bị bỏng lạnh
Khi gặp phải tình trạng bỏng lạnh có thể thấy những dấu hiệu sau:
Có cảm giác ngứa ran hoặc tê cứng ở các vùng da.
Da bị đổi màu (đỏ, trắng, xám hoặc vàng).
Đau xung quanh vùng da bị tê cứng.
Xuất hiện các vết phồng, rộp.
Những triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể là sưng tấy, khớp và cơ cứng không hoạt động, da chuyển màu đen, xuất hiện tình trạng sốt.
Phòng tránh bỏng lạnh
Bạn có thể ngừa bỏng lạnh bằng cách giữ ấm cơ thể. Các bác sĩ khuyến cáo chúng ta nên hạn chế ra ngoài trong thời tiết lạnh, ẩm ướt hoặc gió. Trong mùa rét, bạn nên mặc nhiều lớp quần áo, các lớp không nên quá chật hay bó sát và phải đủ ấm. Chúng ta cũng nên đội mũ, quàng khăn, trang bị găng tay, tất chân để che tai, cổ, bàn tay, chân.
Nếu vùng da bị đỏ, nhợt nhạt, có cảm giác kim châm, tê…, bạn cần ủ ấm cơ thể càng sớm càng tốt. Khi đi ngoài trời lạnh, bạn cũng không nên uống rượu vì đồ uống có cồn làm cơ thể mất nhiệt nhanh hơn. Ngoài ra, chúng ta nên bổ sung các thực phẩm nóng, uống nhiều nước, liên tục di chuyển để máu lưu thông đều.
Hạ Liên (t/h)