Môi trường vùng lũ thường ô nhiễm nặng, nguy cơ gây bệnh ngoài da rất cao, dưới đây là tư vấn của bác sĩ da liễu về các bệnh ngoài da với người dân vùng lũ lụt và các biện pháp phòng bệnh.
Ở những vùng đang bị lũ lụt, môi trường thường ô nhiễm rất nặng do ngập úng nước ao hồ, kéo theo nước cống rãnh, nước thải, xác chết con vật, cây cối vào nguồn nước… Môi trường nước ô nhiễm mang theo rất nhiều vi sinh vật gây bệnh cho con người như: Vi trùng, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng… Bên cạnh đó, do không được vệ sinh, khử khuẩn kịp thời tạo điều kiện cho nhiều loại vi sinh vật sinh sôi, phát triển mạnh hơn.
Theo BS. Bùi Quang Hào, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Da liễu Trung ương.có một số bệnh da liễu thường gặp với người dân ở vùng mưa lũ như:
Bệnh viêm da tiếp xúc kích ứng: Trong vùng lũ, một số côn trùng như bướm, kiến ba khoang… không có nơi trú ẩn sẽ bò, bay vào nhà bám lên quần áo, chăn gối dễ gây bệnh viêm da tiếp xúc kích ứng do côn trùng. Bệnh nhân có thể biểu hiện ngứa tại chỗ và rát.
Viêm da tiếp xúc dị ứng: Người dân dễ bị viêm da, đỏ ngứa do tiếp xúc với nguồn nước bẩn, nếu gãi nhiều có gây biến chứng chàm hóa khó điều trị, dai dẳng dẫn tới mụn mủ, nhiễm trùng da.
Bệnh nấm da: Trong điều kiện mưa lũ ẩm thấp, các loại nấm dễ phân tán ra môi trường nước; dễ bám vào da khi tiếp xúc; nếu người dân không vệ sinh sạch sẽ ngay dễ gây nấm trên cơ thể, nhất là nấm kẽ chân.
Bệnh chốc, loét: Bệnh do vi khuẩn liên cầu, tụ cầu gây ra khi da tiếp xúc với nguồn nước nhiều vi khuẩn, vi trùng. Khi bị tiếp xúc với nước bẩn, người dân thường hay ngứa, gãi gây lở loét, hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ, vi khuẩn dễ câm nhập gây đỏ da, mụn nước, mụn mủ, chốc; một số trường hợp nhiễm tụ cầu có thể loét rất sâu, có thể để lại sẹo và các biến chứng khác.
Bệnh do ký sinh trùng, nhất là bệnh ghẻ: Khi môi trường ẩm ướt, thuận lợi cho ghẻ phát triển, ghẻ dễ xâm nhập vào cơ thể người, với biểu hiện nổi mẩn đỏ, ngứa; đôi khi rất khó phân biệt với các bệnh ngoài da khác, cần phải chẩn đoán chuyên khoa mới ra. Đặc biệt bệnh bệnh ghẻ phải chẩn đoán được và điều trị kịp thời, nếu không sẽ lây ra cộng đồng rất mạnh trong mùa mưa lũ.
Cũng theo BS. Bùi Quang Hào, các bệnh ngoài da sẽ có các biện pháp điều trị khác nhau. Đơn cử như bệnh chốc da có thể dùng kháng sinh đường uống nếu nặng hoặc thể nhẹ có thể dùng kháng sinh tại chỗ; với viêm da tiếp xúc côn trùng, có thể bôi thuốc làm dịu da, dùng thuốc đường uống để chống các biến chứng dị ứng…
Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa, người dân không nên tự ý dùng thuốc, nếu không dùng đúng bệnh có thể nặng lên, gây sang bệnh khác, rất khó điều trị; khi mắc các bệnh ngoài da người dân cần được khám chuyên khoa và tư vấn bởi nhân viên y tế.
Để phòng bệnh ngoài da, người dân ở vùng lũ lụt cần chú ý vệ sinh môi trường sạch sẽ, đảm bảo sát khuẩn chân tay, cơ thể, sử dụng phương tiện bảo hộ như ủng, găng tay cao su khi tiếp xúc với các nguồn nước bẩn để tránh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh. Khi người dân có các biểu hiện bệnh ngoài da, nhất là tình trạng nặng lên cần có sự thăm khám, điều trị của nhân viên y tế.