Ô nhiễm môi trường – Nỗi lo hàng đầu sau bão lũ

Mai Hạ|17/10/2022 19:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo đại diện Tổng cục Môi trường, sau bão lũ ô nhiễm môi trường là nỗi lo hàng đầu. Giải pháp cấp thiết mà các địa phương cần làm là giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.

Những nỗi lo về môi trường

mua-lu-ngap.jpg
Cây cối, xác gia súc, gia cầm ngâm lâu ngày trong nước làm môi trường bị ô nhiễm nặng.

Mưa lũ tại các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Những vùng bị ngập lụt, môi trường bị ô nhiễm nặng ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.

Nguồn gây ô nhiễm chủ yếu do phân, rác, nước thải, bãi thu gom, tập kết xử lý chất thải rắn, kho chứa hóa chất, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật... bị cuốn chung vào nguồn nước.

Các công trình xử lý nước thải, hệ thống thoát nước thải bị phá hủy làm cho phân, rác, nước thải tồn đọng từ các nhà vệ sinh, hệ thống cống rãnh, chuồng trại chăn nuôi tràn trực tiếp ra môi trường.

Cây cối, hoa màu bị chết vì bị ngâm trong nước lâu ngày; xác chết của một số loài động vật, gia súc, gia cầm làm phát sinh dịch bệnh cho người và gia súc gia cầm.

Hơn nữa, đợt mưa lũ này xảy ra trong giai đoạn giao mùa nên dễ bùng phát dịch bệnh.

Theo Global Climate Risk Index 2020 thì Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH), giao động thời tiết, thiên tai thảm họa và các hiện tượng thời tiết cực đoan trong giai đoạn 1999 - 2018. BĐKH dự báo sẽ tiếp tục làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai thảm họa và các hiện tượng thời tiết cực đoan tại Việt Nam, đặc biệt là bão, lũ, lụt.

Thiên tai không những gây ra những tổn thất về tài sản, tính mạng, sức khỏe cho những vùng trực tiếp chịu tác động mà còn gây ra nhiều thiệt hại cho môi trường tự nhiên, môi trường sống của nhân dân và môi trường sản xuất. Thiên tai thảm họa gây ra nhiều tác động khác nhau lên các dịch vụ sức khỏe môi trường như cấp nước, thu gom xử lý rác thải, sản xuất chế biến thực phẩm, kiểm soát véc tơ truyền bệnh và vệ sinh hộ gia đình..., đe dọa sức khỏe của hàng trăm triệu người trên thế giới mỗi năm.

Bão, lũ lụt có tác động lớn đến dịch vụ cấp nước ăn uống cho người dân như làm hư hại nhà máy, các công trình cấp nước, làm vỡ đường ống nước, làm ô nhiễm nước ăn uống, sinh hoạt và làm gián đoạn dịch vụ cấp nước do mất điện. Do đó, người dân không tiếp cận được với nước sạch để cho ăn uống và sinh hoạt.

Nguy cơ dịch bệnh

Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, mưa lũ ở miền Trung những ngày qua đã gây nhiều thiệt hại về người và của. Đến thời điểm này, nhiều tỉnh miền Trung bắt đầu khôi phục lại đời sống sinh hoạt, sản xuất sau khi nước lũ rút. Đây cũng chính là thời điểm người dân phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do các loại rác thải, xác súc vật phân hủy, nguồn nước bị ô nhiễm… tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

“Vấn đề xử lý môi trường sau lũ đã được thực hiện hàng năm, khi xảy ra lũ thường thực hiện theo “4 tại chỗ”, tức là các bộ ngành liên quan sẽ có hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương nhưng chủ yếu vẫn là do các tỉnh huy động nguồn lực thực hiện”, ông Hoàng Dương Tùng cho hay.

Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), bão lũ thường đi kèm với thiên tai, dịch bệnh.

“Môi trường bị ô nhiễm vì xác súc vật chết, cũng như các loại chất thải được cuốn theo dòng nước lũ. Nguồn nước, nguồn thực phẩm tại các khu vực bị lũ lụt cô lập cũng khó đảm bảo an toàn, cộng thêm điều kiện cung cấp nước uống gặp khó khăn, cây cối, các điều kiện vệ sinh môi trường sẽ không đảm bảo, người dân sẽ phải đối mặt với nguy cơ về dinh dưỡng và dịch bệnh gây bệnh”, PGS. TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Theo các chuyên gia dịch tễ, người dân ở những vùng bị ảnh hưởng rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hoá do mất an toàn thực phẩm, nguồn nước không đảm bảo, vệ sinh chưa tốt. Không chỉ vậy, người dân còn dễ mắc cúm, cảm lạnh, đau mắt, nước ăn chân cùng nhiều bệnh về da liễu khác.

Một thực tế đáng ghi nhận là trong thiên tai thảm họa, số người cần được cung cấp nước sạch và vệ sinh trong và sau thảm họa thường lớn hơn số người bị tử vong, chấn thương hay cần chăm sóc y tế. Bão lụt có thể gây tác động trên diện rộng, ảnh hưởng tới hàng triệu người và nước sạch - yếu tố thiết yếu đảm bảo cho sự sống có thể bị đe dọa nghiêm trọng.

Đảm bảo có đủ nước sạch cho công tác chữa trị các nạn nhân, cho mục đích ăn uống và sinh hoạt của cộng đồng, hỗ trợ công tác cứu hộ và giúp vực lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ vừa bị làm gián đoạn trong và sau thảm họa là một nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng đầy thách thức.

Thiếu nước sạch và các công trình vệ sinh có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và thậm chí tới tính mạng của người dân. Những hư hỏng trong hệ thống thu gom xử lý nước thải và rác thải có thể làm ô nhiễm các nguồn nước, suy thoái môi trường, tạo điệu kiện cho các véc tơ truyền bệnh phát triển, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng.

Thiếu nước sạch và các công trình vệ sinh sẽ gia tăng tỉ lệ mới mắc các bệnh lây lan qua nước ăn uống. Tình trạng này còn trở nên trầm trọng hơn tại các nơi sơ tán, nơi thường tập trung đông người và thiếu nước sạch cũng như các công trình vệ sinh. Trong bão lụt, khi các dịch vụ cấp nước và vệ sinh bị gián đoạn, người dân thường phải tự tìm đến các nguồn nước khác và các nguồn nước này thường là không đảm bảo vệ sinh.

Các nhà máy nước, hệ thống thu gom và xử lý rác thải có thể gặp khó khăn trong thảm họa do cơ sở hạ tầng bị phá hỏng. Cùng lúc các nhà máy phải đáp ứng nhu cầu nước sạch và vệ sinh của người dân trong tình huống khẩn cấp, khôi phục lại các hoạt động và chuẩn bị để ứng phó với các thảm họa trong tương lai sẽ là những thách thức mà ngành cấp nước và vệ sinh phải đối mặt.

Ngoài ra, việc chuyên chở hàng triệu lít nước và thiết bị xử lý nước tới các khu vực bị tác động bởi thảm họa thường cũng rất tốn kém và đây cũng chỉ là các giải pháp mang tính chất tạm thời. Tại Việt Nam, thông thường cách tiếp cận là huy động tối đa nguồn lực tại chỗ. Cán bộ y tế thường hướng dẫn người dân dùng ngay nguồn nước có sẵn tại địa phương, áp dụng một số biện pháp xử lý nước thông thường để người dân có thể sử dụng. Sau bão lụt, thì hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh nhà cửa, vệ sinh môi trường.

Để phòng chống ô nhiễm môi trường và đảm bảo sức khỏe cho nhân dân trong và sau mưa lũ, Cục Kiểm soát ô nhiễm khẩn trương triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại vùng bị ngập lụt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ô nhiễm môi trường – Nỗi lo hàng đầu sau bão lũ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.