Đà Nẵng: Chống ngập úng đô thị trong mùa mưa

Vũ Thành|09/10/2022 14:15
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mặc dù thành phố Đà Nẵng đã đầu tư nhiều tuyến cống thoát nước, trạm bơm... nhưng mỗi khi mưa to, tại nhiều vị trí, đoạn đường trên địa bàn lại xảy ra ngập cục bộ. Để giải quyết vấn đề này, các ngành chức năng của thành phố cần tập trung nhiều giải pháp ứng phó, nhất là trong mùa mưa bão năm nay.

Theo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, bên cạnh các lưu vực trọng yếu cần phải bố trí người trực vận hành các cửa phai hồ điều tiết, trạm bơm chống ngập... Hiện trên địa bàn thành phố còn 37 vị trí trọng yếu, thường xuyên xảy ra ngập cục bộ, cần bố trí công nhân người trực thu gom rác mắc ở cửa thu nước mưa trên mặt đường, khơi thông thoát nước khi có mưa to, nhất là đường Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Lê Duẩn, Núi Thành, Lê Tấn Trung, Võ An Ninh, Cách mạng Tháng Tám, cổng Khu công nghiệp Hòa Khánh, kiệt 818 Trần Cao Vân, ngã ba đường Nguyễn Đức Thuận - Võ Nguyên Giáp...

Ngoài ra, có một số khu vực ngập úng nặng cần bố trí trạm bơm lưu động để bơm chống ngập úng, nhất là 4 khu vực ở đường Nguyễn Chánh, Trần Đình Tri (quận Liên Chiểu), Trần Đại Nghĩa và tổ 14, phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn).

img_20221008_113522.jpg
Các tuyến phố Đà Nẵng bị ngập sau bão

Trong quá trình chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 4 (bão Noru), Sở Xây dựng và Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng chuẩn bị thêm máy phát điện dự phòng để sẵn sàng đưa vào vận hành khi nguồn điện cấp cho trạm bơm gặp sự cố do bão. Đồng thời, hạ thấp mực nước các hồ điều tiết ở trung tâm thành phố từ ngày 26-9; huy động toàn bộ lực lượng tổ chức khơi thông các cửa thu nước mưa. Công ty cũng chuẩn bị các phương tiện, thiết bị và tăng cường ứng trực để kịp thời xử lý ngập úng, đặc biệt tập trung tại các khu vực xung yếu, có nguy cơ xảy ra ngập úng đô thị như: đường Hải Hồ, Lý Tự Trọng, Núi Thành, Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Lê Duẩn, Hoàng Hoa Thám, Ông Ích Khiêm, Hà Huy Tập, khu vực hạ lưu Khe Cạn, cống Mê Linh, đoạn cống từ Sân bay Đà Nẵng ra đường Trưng Nữ Vương...

Cùng với đó, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các sở, ban quản lý dự án, đơn vị không để xảy ra sự cố ở các trạm bơm chống ngập, nhất là trạm bơm Thuận Phước và hầm chui đường Điện Biên Phủ; các địa phương chỉ đạo các đơn vị, lực lượng nạo vét hệ thống thoát nước và tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia khơi thông thoát nước ở phía trước nhà mình...


Thời gian qua, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chống ngập úng như: Cải tạo các tuyến cống dọc đường Kỳ Đồng, cống liên phường Xuân Hà, nâng cao mặt đường Hà Huy Tập phía trước Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ... và đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm chống ngập úng. Đối với tuyến cống Khe Cạn, mới chỉ thi công được hơn 100m, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.

Các nhà thầu đang thi công tuyến kênh thoát nước và hồ điều tiết ở thượng lưu cầu Gia Tròn và tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) nhằm thoát nước từ Khu công nghiệp Hòa Khánh ra sông Cu Đê và chống ngập úng cho khu vực đang thi công tuyến đường vành đai phía tây 2, khu dân cư Hồng Phước (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) và thôn Trung Sơn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Công trình này dự kiến hoàn thành vào tháng 8-2023 nhưng các nhà thầu đã hoàn thành nạo vét sâu xuống hơn 1m so với cao trình đáy; các địa phương cũng chỉ đạo nạo vét, thanh thải những vị trí có mô đất cao trong tuyến kênh thoát nước để giúp nước thoát ra sông Cu Đê nhanh hơn.

Theo Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến, thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư lớn cho các công trình thoát nước với tổng kinh phí hơn 13.000 tỷ đồng để giải quyết vấn đề ngập úng. Nhưng vẫn còn một số khu vực xảy ra ngập úng cục bộ, chủ yếu do việc nạo vét cống chưa được thực hiện đồng bộ. Do đó, thời gian đến, các đơn vị, địa phương cần có giải pháp đồng bộ về công tác nạo vét cống và bố trí ngân sách để duy trì việc này.

Ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thông tin, hằng năm, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng nạo vét các cống ở các đường có bề rộng từ 10,5m trở lên. Còn các quận, huyện tổ chức đấu thầu nạo vét các tuyến cống ở đường rộng từ 7,5m trở xuống và các cống, rãnh ở khu dân cư. Tuy nhiên, do nguồn lực của thành phố và quận, huyện không thể nạo vét trải dài hết tất cả các cống, rãnh nên chỉ ưu tiên các cống, rãnh cần nạo vét trước. Thời gian đến, Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cùng các quận, huyện sẽ ưu tiên cho công tác nạo vét cống để hạn chế ngập úng đô thị.

Cũng theo ông Võ Tấn Hà, Sở Xây dựng đang nghiên cứu bổ sung một số cửa thu nước mưa trên mặt đường, nhưng người dân cũng cần chung tay cùng các lực lượng thu gom rác, khơi thông thoát nước ở các cửa thu nước mưa trên mặt đường trước mặt nhà mình để tăng khả năng thoát nước xuống cống. Nhiều khi vận hành trạm bơm chống ngập ở cuối đường Ông Ích Khiêm được khoảng 15 phút thì có rất ít nước về hoặc không có nước về trạm bơm nhưng nước ngập trên mặt đường. Các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân chung tay vệ sinh cửa thu nước mưa trước nhà mình để tăng khả năng thoát nước xuống cống nhằm giảm ngập nhanh.

Theo Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng Hà Văn Thành, để chống ngập úng cục bộ, đơn vị đã đề xuất Sở Xây dựng và thực hiện nạo vét các tuyến cống trọng điểm; đồng thời tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật đã thực hiện trong những năm trước như: hạ thấp mực nước các hồ điều tiết trước mưa và vận hành liên hồ, vận hành điều tiết bằng cửa phai, bố trí công nhân trực khơi thông hệ thống thoát nước, vận hành hiệu quả các trạm bơm chống ngập; thực hiện hiệu quả phương án phòng, chống thiên tai...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đà Nẵng: Chống ngập úng đô thị trong mùa mưa
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.