“Để được giải phóng, phụ nữ cần tự cảm thấy tự do từ sâu trong con tim mình; điều đó không có nghĩa rằng phải làm đối thủ với một người đàn ông mà chỉ đến từ chính khả năng và tính cách của cô ấy” – Indira Gandhi
Một người phụ nữ cũng có tầm ảnh hưởng lớn tới môi trường không kém gì những người đàn ông. Quan niệm một người đàn ông sẽ đóng góp cho xã hội nhiều và hiệu quả hơn phụ nữ đã không còn phù hợp với xã hội hôm nay. Nếu được trao cơ hội và sự phát triển như nhau, thậm chí người phụ nữ còn có khả năng phát triển hơn những người nam giới.
Ảnh minh họa
Trong quá khứ, những cuộc đấu tranh và phản đối áp bức của phụ nữ khiến xã hội nhận ra rằng: những người phụ nữ đã phải lặng lẽ chịu mọi trách nhiệm và sự khổ đau, đến nỗi họ không thể chịu đựng được nữa. Và rồi thời gian qua đi, thế giới sẽ nhận ra mình đã sai lầm thế nào khi đàn áp và bãi bỏ những sự khéo léo, tinh tế tiềm ẩn – điều mà cuối cùng, đã đưa xã hội phát triển lên một tầm cao mới.
Tại Hội nghị Phụ nữ thế giới lần thứ nhất được tổ chức tại Mexico vào năm 1975, Vandana Shiva đã bắt đầu thảo luận về vấn đề phụ nữ và môi trường. Hội nghị đã đề cập tới vai trò phụ nữ trong nông nghiệp cũng như những đóng góp của họ đã được đưa ra ngoài ánh sáng. Ở hầu hết các quốc gia, phụ nữ được ghi nhận công lao trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như lương thực thực phẩm trong nước. Ở những quốc gia đang phát triển, có một quan niệm sai lầm hết sức phổ biến là: mặc dù phụ nữ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc thu thập thức ăn, nhiên liệu và đồ ăn gia súc, hay nói cách khác là những người trực tiếp sử dụng tài nguyên thiên nhiên; nhưng trớ trêu thay, phụ nữ lại hoàn toàn không sở hữu đất đai, dù họ thực sự hiểu về thiên nhiên hơn cánh đàn ông.
Trong những khoảng thời gian dài làm việc ở các đồn điền và trang trại, họ hiểu thiên nhiên và từ đó biết yêu quý và bảo vệ thiên nhiên. Họ giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên để dành tiếp cho thế hệ tương lai của mình. Những báo cáo chỉ ra rằng phụ nữ đóng một vai trò quan trọng và được coi trọng hơn cả trong những vấn đề bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Và khái niệm về phong trào Ecofeminist xuất hiện, nhằm bảo vệ phụ nữ và môi trường khỏi tình trạng bị bóc lột cạn kiệt và bị lạm dụng.
Phong trào Chipko cũng là một ví dụ điển hình để lý giải về tình yêu của phụ nữ đối với thiên nhiên cũng như sự tuyệt vọng của họ khi bảo vệ mình khỏi những tổn hại và lạm dụng. Phong trào này phát triển mạnh mẽ bất chấp sự cho phép của chính quyền. Những người phụ nữ bản địa ôm lấy những cái cây làng để bảo vệ chúng khỏi bị đốn hạ cũng như bảo vệ chính lối sống gắn bó với rừng cây của mình.
Bây giờ, khi chúng ta đang kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ như một cách để ca ngợi những thành tựu cũng như lịch sử đấu tranh của những người phụ nữ; đâu đó trên thế giới vẫn còn những bé gái, những người đàn bà mơ về một cuộc sống hạnh phúc và tốt đẹp. Những người phụ nữ được giáo dục và hiểu biết hôm nay đã và đang cố gắng rất nhiều để giúp đỡ những mảnh đời còn bất hạnh vượt qua mọi rào cản và chạm tay tới quyền lợi của chính mình. Cùng là phụ nữ, họ thấu hiểu nỗi đau của nhau, và từ đó, đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giải phóng những người phụ nữ còn phải chịu nhiều áp bức, bất công ở một nơi nào đó trên thế giới này.
Bảo Thư (dịch)