Qúa trình hình thành mưa đá

Huyền Thương (T/h)|10/01/2020 09:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mưa đá là một hiện tượng thời tiết nguy hiểm, khó dự báo và gây thiệt hại nặng nề về người và của. Nhưng mưa đá được hình thành như thế nào?

Nguyên nhân của quá trình hình thành mưa đá là do sự bất ổn định trong không khí khi 2 luồng khí nóng và lạnh tiếp xúc với nhau, ở những nơi có khí hậu nóng bức vào ban ngày và lạnh vào ban đêm dễ xảy ra hiện tượng mưa đá hơn. Sự đối lưu của không khí càng bị kích thích do xung đột giữa 2 luồng khí nóng và lạnh.

Mưa đá xảy ra do sự bất ổn định trong không khí giữa luồng khí hậu lạnh và nóng gặp nhau. Sự xung đột giữa hai khối khí nóng và lạnh kích thích sự đối lưu phát triển mạnh. Hơi nước bốc lên cao, ngưng tụ lại thành hạt đá nhỏ, những hạt đá này tiếp tục đông kết và dính lại với nhau tạo nên những hạt đá to hơn và rơi xuống mặt đất.

Vào mùa nóng ẩm, hàm lượng hơi nước trong không khí rất cao. Khí quyển ở tầng thấp nhận được nhiều nhiệt năng sẽ nóng lên, hình thành cột không khí dưới nóng trên lạnh, không ổn định. Lúc này hiện tượng đối lưu mãnh liệt phát sinh, tạo ra những đám mây vũ tích có khả năng gây mưa đá.

Tại tầng khí quyển cao hơn, nhiệt độ của những đám mây là – 20 độ C và hơi nước bốc lên từ tầng thấp sẽ biến thành hạt bằng nhỏ. Nhưng tầng mây ở dưới thấp hơn, hơi nước không biến thành băng mà trở thành các giọt nước có độ lạnh dưới 0 độ C. Các luồng không khí không ngừng bốc lên cao sẽ đưa một khối lượng lớn các giọt nước lạnh này lên tầng trên của đám mây. Ngay sau đó, chúng đông kết với các hạt băng đang tồn tại ở tầng trên, làm cho thể tích của các hạt băng càng ngày càng lớn hơn, khi trọng lượng tăng đến mức độ nhất định nào đó chúng sẽ rơi xuống.

Khi rơi, các luồng khí tiếp tục tác động khiến các hạt băng va chạm liên tục, dính kết chặt vào nhau thành một khối và khi đủ nặng sẽ rơi xuống thành mưa đá.

Ảnh minh họa

Có cách nào phòng tránh tác hại của mưa đá?

Chúng ta cũng không có cách nào ngăn chặn được mưa đá bởi đó là hiện tượng thời tiết với những diễn biến bất thường của các luồng không khí nóng và lạnh. Người dân ở các khu vực hay có mưa đá cần thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết để sớm biết có khả năng xảy ra mưa đá và luôn chuẩn bị sẵn các phương án trú, tránh an toàn cho người, vật nuôi và hạn chế tác hại của mưa đá đối với các vật dụng, đồ dùng, máy móc,… nếu nó xảy ra.

Mưa đá thường xảy ra ở các vùng núi, bán sơn địa, nhưng người dân ở các vùng này hầu hết đều còn khó khăn, không có điều kiện xây dựng nhà ở kiên cố mà chủ yếu là mái lá, mái ngói, mái tôn và fibro xi măng. Hầu hết các trận mưa đá có kích cỡ hạt đá nhỏ nên chỉ gây hư nát hoa màu, không ảnh hưởng nhiều đến nhà dân, chỉ một số ít viên đá lớn và nặng rơi lọt xuống các mái nhà có chất lượng kém. Tuy nhiên, các trận mưa đá vừa xảy ra tại Lào Cai có kích cỡ viên đá quá lớn khiến hầu hết nhà dân đều đã bị hỏng mái, chỉ trừ nhà có mái đúc bê tông. Như vậy, với hoa màu thì hầu như không có biện pháp nào chống lại mưa đá, còn giải pháp bền vững nhất cho mái nhà dân là mái đúc bê tông kiên cố.

Mặc dù vậy, nếu bạn lo lắng về những cơn mưa đá có thể rơi xuống vườn và nhà của bạn, có một vài cách để giảm thiểu thiệt hại:

– Với cây trồng hoặc hoa màu dễ bị nát dập, bạn có thể dựng giàn che dọc theo luống, và nên làm giàn dạng mái hình tam giác sẽ giúp giảm tác động của hạt mưa đá khi va chạm, đá sẽ rơi xuống hai bên luống cây mà không đâm thủng giàn che, chú ý dựng cọc chống phải chắc chắn.

– Với mái nhà, cần thường xuyên kiểm tra tình trạng của mái nhà và gia cố lại mái. Ở những chỗ trọng yếu nên sử dụng các vật liệu có thể chống chịu với va đập. Hiện trên thị trường có loại vật liệu là tấm Polycarbonate rất bền, có khả năng chịu va đập cao, cách âm, kháng cháy và bền trong nhiều năm trong điều kiện môi trường và thời tiết khắc nghiệt, không bị vỡ, trọng lượng nhẹ và kháng tia tử ngoại (tia UV) tốt. Tấm Polycarbonate dày hoặc đa lớp thậm chí có thể được dùng làm cửa sổ chống đạn. Có thể trang bị vật liệu này ở các phần mái lấy sáng, mái che, mái hiên, mái nhà kính, giếng trời, mái nhà xe… để tránh bị vỡ khi có mưa đá.

– Hệ kết cấu khung mái, xà gồ cũng nên sử dụng vật liệu chịu lực tốt, chống ăn mòn, được gia cố cẩn thận. Vật liệu và kỹ thuật xây dựng có thể cải thiện độ cứng của khung mái nhà và giúp giảm thiệt hại do mưa đá gây ra.

– Làm mái nhà dốc xuống hai bên, cách dựng mái nhà này sẽ làm giảm lực tác động từ mưa đá. Mưa đá va vào mái nhà ở một góc độ 90 độ sẽ gây ra thiệt hại nhiều hơn mưa đá rơi xuống mái nhà theo một góc lệch.

– Với xe ô tô, hiện đã có một loại bạt khí có tên là Hail The Protector, là một bộ phụ kiện bao gồm bạt phủ xe ôtô chống thấm nước có không gian thổi khí để biến thành lớp đệm khí bảo vệ, chạy bằng nguồn điện trên xe hoặc pin dự trữ. Thời gian để kích hoạt bạt khí phồng tối đa từ 30 đến 60 phút, nhà sản xuất sẽ tặng kèm một ứng dụng cảnh báo thời tiết cài đặt trên điện thoại thông minh, nhờ đó khách hàng sẽ có thời gian chuẩn bị trước bất kỳ cơn mưa đá nào. Khi chưa kích hoạt bơm khí, bạt có thể được dùng che mưa nắng như loại thường, có thể gấp gọn để trong cốp sau xe. Sản phẩm này có giá bán thấp nhất là 299 USD, có đủ loại kích thước phù hợp từ xe sedan cho đến xe SUV, xe bán tải…

– Nếu đang đi ngoài đường mà gặp mưa đá, bạn nên lập tức dừng lại tìm chỗ ẩn, đội mũ bảo hiểm để tránh đá rơi vào đầu, chờ đá trên đường tan hết mới tiếp tục đi để tránh trơn ngã.

– Bên cạnh mối nguy hiểm trên, mưa đá còn có thể mang tới những mối nguy hại khác chẳng hạn mang theo độc tố, acid… Nếu đám mây được hình thành từ những vùng nước độc, môi trường không sạch, những chất bẩn trong nước mưa có thể làm hại da người, gây dị ứng, do đó trước khi sử dụng nguồn nước có nhiễm nước mưa đá, người dân nên lấy mẫu nước, mang tới các trung tâm để kiểm tra chất lượng nước.

Huyền Thương (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Qúa trình hình thành mưa đá