Pháp luật môi trường

Quận Hoàng Mai (Hà Nội): Ban hành quyết định xử phạt nhiều doanh nghiệp vì vi phạm môi trường

Thanh Thanh 22/08/2024 14:30

Mới đây, UBND quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt đối với một số doanh nghiệp có hành vi vi phạm liên quan đến bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Cụ thể, ngày 7/8, ông Nguyễn Minh Tâm - Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, đã ký quyết định xử phạt 80 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Chèm Thanh Trì (địa chỉ tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) do xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, vi phạm Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Cùng ngày, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng vận tải và thương mại (trụ sở tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai) cũng bị xử phạt 80 triệu đồng do để vật liệu ở bãi sông mà không có giấy phép.

Tương tự, Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư thương mại Hợp Thành (trụ sở tại tổ 8, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cũng bị xử phạt 80 triệu đồng vì hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật.

Bên cạnh việc phạt tiền, các doanh nghiệp này còn bị buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục sau khi hoàn thành. Toàn bộ chi phí khắc phục hậu quả sẽ do doanh nghiệp vi phạm chi trả.

doanh-nghiep-vi-pham.jpg
Mới đây, UBND quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt đối với một số doanh nghiệp có hành vi vi phạm liên quan đến bảo vệ môi trường trên địa bàn

Theo hồ sơ, Công ty Cổ phần Chèm Thanh Trì được thành lập từ tháng 11/2021, do ông Phạm Ngọc Bính làm Giám đốc. Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư thương mại Hợp Thành hoạt động từ tháng 3/2013, ông Phùng Văn Chưởng là Tổng giám đốc. Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng vận tải và thương mại kinh doanh từ tháng 12/2002, do ông Nguyễn Đức Di làm giám đốc.

Việc xử phạt các doanh nghiệp vi phạm được các chuyên gia môi trường đánh giá là động thái cần thiết để bảo vệ môi trường, đảm bảo sự tuân thủ quy định của pháp luật. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu mức phạt này có đủ sức răn đe và ngăn chặn tái phạm? Trong bối cảnh các doanh nghiệp vẫn tiếp tục vi phạm, cần có biện pháp mạnh mẽ hơn, không chỉ là xử phạt hành chính mà còn có thể là các biện pháp chế tài khác nhằm đảm bảo hiệu quả bảo vệ môi trường. Ngoài ra, yêu cầu các doanh nghiệp vi phạm phải tự khắc phục hậu quả ô nhiễm là hợp lý, nhưng cần giám sát chặt chẽ quá trình khắc phục này. Nếu không có sự kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt, các doanh nghiệp có thể sẽ chỉ thực hiện các biện pháp đối phó mà không giải quyết triệt để vấn đề.

Theo điểm a khoản 6 và khoản 9 Điều 18 Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã nêu rõ Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải bị xử phạt như sau:

Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên bị xử phạt:

a) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 05 m3/ngày (24 giờ);

b) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 05 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10 m3/ngày (24 giờ);

c) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 20 m3/ngày (24 giờ);

Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra;

b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quận Hoàng Mai (Hà Nội): Ban hành quyết định xử phạt nhiều doanh nghiệp vì vi phạm môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.