Với tốc độ sử dụng đồ nhựa, túi nilon như hiện nay, Việt Nam được xếp vào nước có số lượng rác nhựa thải ra gấp đôi so với các nước có thu nhập thấp. Đáng nói, lượng CTN và túi nilon ở nước ta chiếm khoảng từ 8 – 12% trong chất thải rắn sinh hoạt.
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019, tại Việt Nam, gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và sau đó thải bỏ. Trong tổng lượng CTN thải bỏ, chỉ có một phần được thu hồi, tái chế, một phần được xử lý bằng biện pháp thiêu đốt hoặc chôn lấp. Hiện, Việt Nam chưa có số liệu thống kê cụ thể về tỷ lệ thu gom CTN mà chỉ có thống kê về tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), trong đó, có CTN và túi nilon.
Việc phân loại, thu gom CTN có thể tái chế thường mang tính chất tự phát ở quy mô hộ gia đình, người thu gom rác và nhặt phế liệu tự do. CTN phát sinh từ các hộ gia đình, chợ, khu vực công cộng chủ yếu được xử lý cùng với CTRSH đã được thu gom. Trong khi đó, túi nilon sử dụng thường là loại túi siêu mỏng, khó phân hủy và bị thải bỏ sau một lần sử dụng do giá trị thu hồi để tái chế thấp. Nhận thức của đa số người dân trong việc thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý CTRSH, đặc biệt là CTN và túi nilon, còn nhiều hạn chế. Mặt khác, công tác quản lý, xử lý CTRSH ở nước ta chưa được áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải…
Theo các nhà khoa học, để quản lý rác thải nhựa đạt mục tiêu theo Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, trước tiên, Việt Nam cần thu thập dữ liệu về hiện trạng rác thải nhựa cũng như hoàn thiện cơ chế, chính sách và thúc đẩy các giải pháp khoa học nhằm tạo dựng nguồn dữ liệu về rác tại Việt Nam. Cùng với đó, thúc đẩy thị trường công nghiệp môi trường, hiện giá trị kinh tế từ hoạt động tái chế chưa cao. Việc tận dụng chất thải thành các nguồn nguyên liệu cho ngành sản xuất, năng lượng bên cạnh sự đóng góp cho tăng trưởng kinh tế còn góp phần giảm khai thác tài nguyên và nhiên liệu không tái tạo, trong khi CTRSH có một lượng lớn thành phần có thể tái chế với giá trị kinh tế cao.
TS. Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục môi trường – cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung bao bì nhựa vào đối tượng chịu thuế và nâng cao mức thuế suất để hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng; tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon khó phân hủy. Bên cạnh đó, bổ sung quy định túi nilon thân thiện với môi trường là đối tượng được miễn thuế bảo vệ môi trường, ưu đãi cho các hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa; xây dựng các chế tài xử phạt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra…
Theo báo Công thương