Quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa

Minh Châu|21/05/2024 19:26
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chủ đầu tư, nhà đầu tư dự án nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa chịu trách nhiệm tổ chức giám sát công tác thi công, đổ chất nạo vét trong suốt thời gian từ khi bắt đầu đến khi kết thúc hoạt động nạo vét.

Ngày 20/5, Chính phủ ban hành Nghị định 57/2024/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.

Theo Nghị định, không thực hiện các hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa gây cản trở hoạt động tránh, trú của tàu thuyền vào mùa lũ bão, trong thời gian xảy ra thiên tai.

Hoạt động nạo vét duy tu vùng nước trước bến cảng, cầu cảng biển; vùng nước của cảng, bến thủy nội địa; luồng chuyên dùng của các tổ chức, cá nhân chỉ thực hiện lập, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng, quy định tại Chương II Nghị định này và quy định có liên quan của pháp luật chuyên ngành về hàng hải, quy định về sửa chữa, cải tạo cảng, bến thủy nội địa.

Nghị định nêu rõ, hoạt động nạo vét sử dụng vốn đầu tư công phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

bun-nao-vet.jpg
Ảnh minh họa.

Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thực hiện nạo vét, duy tu, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng luồng hàng hải, đường thủy nội địa và tự chịu trách nhiệm về kinh phí, hiệu quả đầu tư; tăng cường vai trò của tổ chức, doanh nghiệp trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng luồng hàng hải, đường thủy nội địa quốc gia như một phần trong dự án đầu tư khai thác cảng biển của tổ chức, doanh nghiệp.

Khu vực, địa điểm tiếp nhận, nhận chìm chất nạo vét được tiếp nhận toàn bộ hoặc một phần chất nạo vét của các dự án, công trình trên địa bàn của tỉnh và các tỉnh lân cận.

Theo Nghị định, trước khi tiến hành thi công nạo vét, chủ đầu tư thông báo kế hoạch triển khai thực hiện đến cơ quan quản lý chuyên ngành (cảng vụ hàng hải khu vực, cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực), UBND cấp tỉnh nơi có công trình và lắp đặt biển báo tại khu vực gần công trường thi công.

Chủ đầu tư, nhà đầu tư dự án nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa chịu trách nhiệm tổ chức giám sát công tác thi công, đổ chất nạo vét trong suốt thời gian từ khi bắt đầu đến khi kết thúc hoạt động nạo vét.

Nghị định nêu rõ, phương tiện, thiết bị thi công, phương tiện vận chuyển chất nạo vét phải lắp đặt thiết bị giám sát nạo vét và bảo đảm các điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật.

Theo Nghị định, hoạt động bảo vệ môi trường của các dự án, công trình nạo vét liên quan đến kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Sau khi kết thúc dự án, công trình chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao lại khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét cho UBND cấp tỉnh hoặc tổ chức, cá nhân được phép tiếp nhận để quản lý và có biện pháp lưu giữ hoặc xử lý chất nạo vét đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Trường hợp bàn giao cho tổ chức, cá nhân, chủ đầu tư báo cáo cho UBND cấp tỉnh biết để quản lý theo quy định.

Trường hợp chất nạo vét nhận chìm ở biển, sau khi hết thời gian nhận chìm chất nạo vét, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện nhận chìm, quan trắc, giám sát môi trường của dự án tới cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nhận chìm ở biển và giao khu vực biển.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/7/2024.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.