Áp thấp nhiệt đới tiến nhanh vào Biển Đông, có khả năng thành bão
Áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên vùng biển phía Đông Philippines được dự báo sẽ đi vào Biển Đông trong đêm 18/7 và có khả năng mạnh lên thành bão với diễn biến phức tạp.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 1 giờ ngày 17/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 128,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Philippines.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39 - 61 km/h), giật cấp 9; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20 km/h.

Những nhận định vào sáng 17/7 cho thấy, áp thấp nhiệt đới sẽ vào Biển Đông trong đêm 18/7. Nhờ gặp điều kiện thuận lợi là mặt biển rất ấm, bão sẽ tăng cấp rất nhanh. Nhiều khả năng đây sẽ là một cơn bão rất mạnh trong năm nay trên Biển Đông.
Cụ thể trong 24 giờ (tính từ 1h ngày 17/7), áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và mạnh lên thành bão.
Đến 1 giờ ngày 18/7, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines) với tốc độ khoảng 20 km/h và có khả năng mạnh lên thành bão. Sức gió mạnh nhất của áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Đến 1 giờ ngày 19/7, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông với tốc độ khoảng 20 - 25 km/h và có khả năng mạnh thêm.
Sức gió mạnh nhất của áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 10, giật cấp 12. Khu vực chịu ảnh hưởng là vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Trên biển, hiện ở vùng biển phía Đông Nam của khu vực Bắc Biển Đông, khu vực giữa và Nam Biển Đông, vùng biển từ Lâm Đồng đến Cà Mau, từ Cà Mau đến An Giang và Vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác.
Ở đặc khu Phú Quý đã có gió Tây Nam giật cấp 7, đặc khu Huyền Trân (phía Nam đặc khu Trường Sa) đã có gió giật cấp 10.
Dự báo, ngày và đêm 17/7, ở vùng biển phía Đông Nam khu vực Bắc Biển Đông và vùng biển phía Đông khu vực giữa Biển Đông; khu vực Nam Biển Đông (bao gồm đặc khu Trường Sa), vùng biển từ Lâm Đồng đến Cà Mau, từ Cà Mau đến An Giang và Vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật mạnh cấp 6-8 và sóng biển cao trên 2m
Ngoài ra, ở vùng biển từ Lâm Đồng đến Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả đặc khu Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7.
Cơ quan khí tượng nhận định sau khi di chuyển vào Biển Đông, bão có thể di chuyển hướng tây tây bắc, hướng về bắc vịnh Bắc Bộ trong những ngày sau đó với xác suất khoảng 50 - 60%.
"Với kịch bản di chuyển tây tây bắc và nếu hướng về khu vực đất liền nước ta thì đề phòng nguy cơ xuất hiện một đợt mưa lớn diện rộng ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 25/7. Diễn biến mưa bão còn phức tạp và phụ thuộc vào hướng di chuyển.
Do đó các cơ quan chức năng, người dân và lực lượng hoạt động trên biển cần thường xuyên theo dõi các bản tin cập nhật, chủ động các phương án phòng tránh và ứng phó kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra" - cơ quan khí tượng khuyến cáo.
Nhận định xa hơn, từ giữa tháng 7 đến tháng 10/2025, trên Biển Đông có khoảng 6-7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động, trong đó khoảng 3 cơn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Trước đó, trong tháng 5 và tháng 6, trên Biển Đông có 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động. Trong đó bão số 1 dù không đổ bộ trực tiếp đất liền nước ta nhưng đã gây ra một đợt mưa lũ kỷ lục trong tháng 6 cho các tỉnh miền Trung, suốt từ khu vực phía nam Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi.