Quảng Bình: Cần phục hồi môi trường để khai khoáng bền vững

M.Anh (Monre)|16/08/2017 07:40
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Quảng Bình cần phục hồi môi trường để khai khoáng bền vững. Ảnh minh họa

(Moitruong.net.vn) – Phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp, đồng thời, việc thực hiện nghiêm quy định này sẽ đảm bảo được nền khai khoáng bền vững ở Quảng Bình.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 84 Giấy phép khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản với các loại khoáng sản: Đá vôi, cát, sỏi, sét, titan, trong đó có 9 Giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp và 75 Giấy phép do UBND tỉnh cấp. Tất cả mỏ khai thác khoáng sản đều đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường theo quy định trước khi cấp phép khai thác.

Trong thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Nhiều khu vực khoáng sản đã được đưa vào khai thác có hiệu quả, đảm bảo môi trường, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho xây dựng các công trình, sản xuất của nhà máy, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, tăng thu ngân sách tỉnh.

6 tháng đầu năm 2017, các đơn vị đã ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường với tổng số tiền ký quỹ là hơn 2 tỷ đồng trên tổng số tiền phải ký quỹ trong năm 2017 là trên 2,9 tỷ đồng. Trong đó số tiền đã ký quỹ tại Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là hơn 1 tỷ đồng/tổng số tiền phải ký tại Quỹ 1,2 tỷ đồng; tiền đã ký quỹ tại Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Quảng Bình trên 01 tỷ đồng/tổng số tiền phải ký tại Ngân hàng 1,7 tỷ đồng.

Tính đến nay, có 6 phương án bổ sung đã được phê duyệt với tổng số tiền là trên 2,7 tỷ đồng; trong đó, đã xác nhận hoàn thành toàn bộ, từng phần cải tạo phục hồi môi trường cho 2 Đề án (Đề án Khai thác cát san lấp tại xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch và Đề án Khai thác cát san lấp tại thôn Xuân Kiều, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch của Doanh nghiệp Tư nhân Xí nghiệp xây dựng tổng hợp Thái Hoàng) với tổng số tiền hoàn trả cho doanh nghiệp hơn 54 triệu đồng.

Các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản tại Chi nhánh Ngân hàng phát triển tỉnh Quảng Bình. Việc quản lý tiền ký quỹ được thực hiện công khai, minh bạch. Ngân hàng xác nhận việc ký quỹ của các tổ chức, cá nhân thông qua Giấy báo có và chỉ hoàn trả tiền ký quỹ khi có thông báo cho phép rút tiền ký quỹ của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Để tạo điều kiện thuận lợi trong công cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, vừa qua, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ban, ngành có liên quan tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường; doanh nghiệp khai thác khoáng sản chấp hành nghiêm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Các huyện, thị xã, thành phố cần tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp khai thác khoáng sản để những cơ sở nghiêm chỉnh chấp hành; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các chủ đơn vị khai thác khoáng sản lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục đóng cửa mỏ theo đúng quy định, khi đóng cửa mỏ đều lập đề án để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, trong đề án đưa ra biện pháp hoàn thổ, phục hồi môi, trường theo nội dung phương án cải tạo phục hồi môi trường đã được phê duyệt.

M.Anh (Monre)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Bình: Cần phục hồi môi trường để khai khoáng bền vững