Quảng Bình : Đặc sắc lễ hội Chợ Rằm tháng Ba Minh Hoá

20/04/2019 05:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Được biết, lễ hội diễn ra từ ngày 14 – 19/4 (tức từ ngày 10 – 15/3 âm lịch)

– Với chủ đề “Ân tình Minh Hóa”, Hội Rằm tháng Ba Minh Hóa năm 2019 là điểm nhấn tạo tiền đề quảng bá cảnh quan, thiên nhiên, con người cùng những nét đặc sắc về văn hóa của mảnh đất Quảng Bình đến đông đảo du khách trong cả nước, tạo động lực cho phát triển du lịch địa phương thời gian tới.

>>>Độc đáo lễ hội ‘hẹn ước’ trên sông Đáy

>>>Choáng ngợp với Carnival Đường phố lần đầu tiên tổ chức tại Thanh Hóa

Tuần lễ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Hội Rằm tháng Ba Minh Hóa 2019 với chuỗi hoạt động vô cùng hấp dẫn gồm: Giải vô địch bóng chuyền huyện; các trò chơi dân gian như Bắn nỏ, Kéo co, Đẩy gậy, Cờ thẻ, Đánh đu, Ném xoang, Cà kheo (ngày 14 – 19/4); Giao lưu các câu lạc bộ dân ca (20h00 ngày 16/4); lễ dâng hương tại di tích lịch sử Thác Bụt, xã Yên Hóa (08h00 ngày 18/4); Khai hội và Chương trình nghệ thuật (20h00 ngày 18/4); các hoạt động văn hóa ẩm thực, dịch vụ, thương mại (ngày 14 – 19/4); hội chợ truyền thống Rằm tháng Ba Minh Hóa (ngày 19/4 tại chợ Quy Đạt).

Đặc biệt, Chợ rằm tháng ba còn là nơi gặp gỡ, hò hẹn của các chàng trai, cô gái vùng cao này. Đêm trước diễn ra phiên chợ, thanh niên khắp nơi đổ về Quy Đạt mong muốn tìm được duyên mới tại phiên chợ duy nhất trong năm. Họ vui chơi suốt đêm, thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương, hát múa giao duyên dưới ánh trăng rằm.

Từ sớm tinh sương của ngày rằm, các đoàn đại diện cho các làng, xã cùng nhau đến vùng thác Bụt ở Dốc Cáng, xã Yên Hóa. Tại đây họ dâng hương cúng Bụt (như ông Bụt trong truyện cổ tích). Cũng chính từ nơi này xuất hiện lễ hội Rằm tháng Ba Minh Hóa.

Lễ hội Chợ Rằm tháng Ba là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh, văn hóa và con người Minh Hóa đến đông đảo du khách thập phương

Chuyện xưa kể lại rằng, nhà nọ có hai anh em lên lèn Ông Ngoi ở phía bắc thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa để lấy mật ong. Lên đến đỉnh lèn, họ gặp một giếng nước trong vắt, cạnh giếng có một cây quýt trĩu quả. Dưới tán cây có 12 tượng đá giống hình ông Bụt.

Bên cạnh có bàn đá bằng phẳng như bàn cờ tướng và những quân cờ cũng bằng đá. Hai anh em nghỉ ngơi, ngắm nhìn những tượng đá. Hồi sau, người anh dùng dây rừng buộc một tượng đá rồi xuống thác Cúi, đặt tượng đá xuống một tảng đá để tắm rửa. Tắm xong, người anh đến nhấc tượng đá lên để mang về thì không sao nhấc nổi…

Từ đó đến nay, thác Cúi, nơi hai anh em nhà nọ đặt bức tượng đá được gọi là thác Bụt. Hằng năm, cứ đến rằm tháng Ba âm lịch, người dân lại đến đây dâng hương cúng Bụt cầu mưa thuận gió hòa, cầu tài lộc, sức khỏe và dự hội chợ rằm.

Theo năm tháng cùng bao thăng trầm của lịch sử, Lễ hội Rằm tháng Ba cùng với các làn điệu dân ca như: điệu hò thuốc, điệu đúm ví, điệu ru con đã trở thành nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong cuộc sống và được bao thế hệ người dân Minh Hoá gìn giữ đến tận ngày hôm nay. Đã là người dân Minh Hoá dù đi đâu, ở đâu cũng không thể nào quên ngày rằm tháng Ba, bởi thế mới có câu “Thà rằng đau ốm mà nằm. Không ai nỡ bỏ chợ Rằm tháng Ba…”

Minh Tâm


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình : Đặc sắc lễ hội Chợ Rằm tháng Ba Minh Hoá