Trong năm 2023, Quảng Bình được phân bổ 82,476 tỉ đồng. Đối tượng hưởng lợi gồm: 10.762 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; 16 chủ rừng là tổ chức; 71 UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng và 9 chủ rừng là tổ chức khác được giao quản lý rừng.
Tổng diện tích rừng của Quảng Bình được chi trả từ dịch vụ bán tín chỉ carbon là 469.317ha trong tổng số gần 600.000ha rừng tự nhiên. Riêng Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng sở hữu hơn 123.000 ha và đã được chi trả 20 tỉ đồng.
Ông Phạm Hồng Thái - Giám đốc Vườn quốc gia Phong nha – Kẻ Bàng cho biết: "Trong số hơn 123.000 ha rừng mà đơn vị đang quản lý thì có một phần rất lớn diện tích được giao trực tiếp cho các thôn bản ở vùng đệm của vườn quản lý chăm sóc. Đây chính là lối đi mới mang lại hiệu quả trực tiếp cho những người dân bản địa ở vùng đệm này, với nguồn thu 20 tỉ đồng từ việc việc bán tín chỉ carbon giúp họ có tiền mà không cần phải khai thác sản phẩm từ rừng".
Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình cho biết, truyền thống của người dân các địa phương giáp rừng thường lấy việc sống dựa vào rừng là chính. Vì thế, giá trị lớn nhất của việc bán tín chỉ carbon không chỉ là tiền mà chính là việc thay đổi tư duy của người ở gần rừng. Khi chăm sóc rừng cũng có thể thu được tiền và giá trị tiền cũng không kém việc khai thác sản vật từ rừng thì người dân sẽ không còn tác động tiêu cực đến rừng nữa.
Vì giá trị bền vững này, tỉnh có chủ trương mở rộng diện tích rừng khai thác trữ lượng carbon thêm với cả rừng trồng, đưa trữ lượng thu được toàn tỉnh có thể lên gấp đôi. Từ đó mức tiền được trả cũng sẽ tăng cao và ngươi dân sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc bán tín chỉ carbon.
Ông Trần Quốc Tuấn cho rằng, kế hoạch chi trả tín chỉ carbon là nội dung mới, thực hiện thí điểm, nên trong quá trình triển khai thực hiện có phát sinh một số khó khăn vướng mắc ngay trong Nghị định 107.
Nhằm đưa ra các hướng đi rõ ràng hơn trong việc bán tín chỉ carbon, ông Tuấn đề xuất giải pháp, cần tiếp tục bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng tự nhiên theo hướng nâng cao chất lượng rừng; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ông Tuấn chia sẻ: “Đẩy mạnh phát triển dịch vụ môi trường rừng; bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch sinh thái; triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kế hoạch của chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, gắn với xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng (FSC)”.
Tập trung xây dựng kế hoạch tài chính hằng năm; đôn đốc, kiểm tra, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện bán tín chỉ carbon theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Tham mưu tỉnh xây dựng kế hoạch điều tra rừng tỉnh Quảng Bình năm 2024, trong đó tập trung nội dung tổ chức điều tra sinh khối và trữ lượng carbon rừng theo chỉ đạo của Bộ NNPTNT, nhằm xác định được tổng trữ lượng sinh khối và trữ lượng carbon rừng cho từng kiểu trạng thái và toàn bộ các hệ sinh thái rừng, phục vụ công tác quản lý rừng, tạo cơ sở dữ liệu để khai thác tiềm năng tín chỉ carbon trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, hợp tác, phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá diện tích hợp lệ và ước tính tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính, từ việc thực hiện các hoạt động trồng rừng mới theo tiêu chuẩn quốc tế về tạo tín chỉ carbon, trong đó đảm bảo tiêu chí rừng được trồng trên đất không có rừng trong 10 năm.