Quảng Bình: Nuôi bò thịt, giải pháp thoát nghèo cho người dân tộc thiểu số

Nhật Lệ (T/h)|11/11/2019 06:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thời gian qua, phát triển chăn nuôi bò đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hàng ngàn hộ dân trên huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình).

Năm 2019, UBND huyện Minh Hóa đã phê duyệt các dự án thuộc nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, gồm: dự án nuôi ong nội lấy mật ở xã Hóa Phúc với 48 đàn, kinh phí 49 triệu đồng; xã Hóa Tiến 114 đàn, kinh phí 132 triệu đồng. Các dự án thuộc nguồn vốn chương trình MTQG của năm 2018 chuyển sang năm 2019 gồm: 2 dự án nuôi bò cái lai Sind sinh sản ở xã Trung Hóa với số lượng 53 con,kinh phí 380 triệu đồng.

Với lợi thế vùng miền núi đồng cỏ tự nhiên rộng nên bà con đã biết chú trọng phát triển đàn bò. Huyện Minh Hóa lồng ghép nhiều chương trình để tạo được nguồn vốn hỗ trợ ban đầu cho người dân. Định hướng phù hợp dựa trên tiềm năng thế mạnh nên đến nay, huyện Minh Hóa có tổng đàn trâu bò trên 20.000 con. Trong đó đàn bò có gần 15.000 con (đạt 108% kế hoạch).

Nuôi bò thịt, giải pháp thoát nghèo huyện Minh Hóa

Đặc biệt, đàn bò lai Sind có 3.330 con (đạt 126,8% kế hoạch đặt ra). Ông Đinh Gia Tuyết nói: “Năm 2019, chúng tôi đã tập trung lồng ghép các nguồn vốn, hỗ trợ nhân dân đầu tư mua các giống vật nuôi chất lượng, có giá trị kinh tế cao. Trong đó có 840 bò giống lai Sind để nhanh chóng tăng trưởng giống này mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con”.

Thời gian gần đây, số hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm ăn khá giỏi ngày càng tăng. Hiện, toàn huyện có hơn 105 hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm ăn khá, giỏi. Trong đó có trên 100 hộ có thu nhập từ 40 – 50 triệu đồng/năm, 70 hộ có thu nhập từ 70 – 150 triệu đồng/năm từ chăn nuôi bò.

Hóa Sơn được xem như là xã rẻo cao của huyện miền núi Minh Hóa. Trước đây, con đường vào Hóa Sơn phải đi qua eo Lập Cập lởm chởm đá và ngược dốc. Bà con muốn nuôi bò cũng không dễ. Khi bò lớn chỉ có giết thịt rồi mang đi chứ không thể lùa qua eo đá được. Nhờ tuyến đường độc đạo vào đây được mở rộng, eo Lập Cập được hạ thấp nên việc đi lại dễ dàng hơn nhiều. Đó cũng là điều kiện để bà con chú trọng phát triển chăn nuôi bò.

Cũng tại các địa phương này, có gần 100 hộ dân phát triển chăn nuôi bò để làm kinh tế. Phong trào bò lai thay thế giống bò địa phương cũng được đẩy mạnh. Ông Đinh Văn Con có đàn bò 5 con cho biết: “Nhà tôi chuyển từ bò địa phương sang bò lai đã được gần 3 năm nay. Thực tế giá bán bê lai hay bò lai lấy thịt đều tăng hơn 2 lần bò cóc. Trong khi đó chi phí cho chăn nuôi cũng gần ngang nhau, thậm chí chăm bò lai còn dễ hơn. Mỗi năm, gia đình tôi cũng có thu nhập từ đàn bò trên 30 triệu đồng”.

Nhiều năm qua, xã Thượng Hóa được đánh giá có đàn bò nằm trong tốp đầu của huyện Minh Hóa về số lượng. Ông Đinh Thanh Văn, Chủ tịch UBND xã cho hay, hiện toàn xã có đàn trâu bò gần 1.800 con, trong đó đàn bò có trên 1.200 con. “Nhiều gia đình có đàn bò trên 10 con và thu nhập của những hộ có nuôi bò rất chắc và đó cũng là thế mạnh của địa phương” – ông Văn nói.

Đồng bào ở các bản Ón, Yên Hợp (xã Thượng Hóa) có đời sống ngày càng ổn định cũng nhờ vào phát triển chăn nuôi bò. Gia đình ông Cao Ngọc Tuấn (bản Yên Hợp) có đàn bò 15 con là điển hình của bản này. Từ mấy năm nay, đàn bò là thu nhập chính. Mỗi năm, ông bán 2 con bò tơ, thu về cũng được 50 triệu đồng. “Gia đình cứ duy trì đàn 15 con, phù hợp với nhân lực chăn thả. Nếu năm nay bò mẹ đẻ được 4 bê thì sang năm tôi bán 4 con bò tơ, thu về chắc cũng được cả trăm triệu đồng đó” – ông Tuấn vui vẻ cho hay.

Ông Đinh Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa: “Để khuyến khích bà con phát triển đàn bò lai, chúng tôi đưa ra chính sách hỗ trợ cho mỗi gia đình là 5 triệu đồng. Huyện tiếp tục bảo lãnh cho các hộ vay thêm 2 triệu đồng ở ngân hàng chính sách và số tiền vay mượn được hỗ trợ về lãi suất”.

Nhật Lệ (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Nuôi bò thịt, giải pháp thoát nghèo cho người dân tộc thiểu số