Quảng Bình: Tăng cường quản lý hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt

Đ.Hà /Quangbinh.gov|12/08/2017 08:41
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành quan tâm, triển khai nhiều biện pháp nhằm góp phần cải thiện và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, các chất thải phát sinh ngày càng đa dạng, phức tạp cả về chủng loại và số lượng, trong khi việc đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế dẫn đến chất lượng môi trường địa phương có nơi bị ô nhiễm cục bộ, trong đó tập trung ở những khu vực tiếp nhận nguồn thải từ khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất và nhất là khu vực nông thôn.

Đầu tư thành lập tổ, đội, xí nghiệp thu gom xử lý rác thải theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hóa, bảo vệ môi trường

Theo thống kê, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt của thành phố Đồng Hới và các huyện đạt trung bình khoảng 66,2%, trong đó thành phố Đồng Hới đạt 88,1%; Lệ Thủy đạt 74,6%; Quảng Ninh đạt 75%; Bố Trạch đạt 44,5%; thị xã Ba Đồn đạt 74,6%; Quảng Trạch đạt 59,8%; Tuyên Hóa đạt 33,2%, Minh Hóa đạt 24,3%.

Đối với rác thải Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường với khối lượng khoảng 04 tấn/ngày; lượng chất thải nguy hại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hàng năm khoảng 297.595 kg. Hiện toàn tỉnh có 07 bãi chôn lấp rác thải phân bổ ở 07 huyện, thành phố; riêng Đồng Hới mới thực hiện việc thu gom, xử lý nước nước thải cho khu đô thị với khối lượng khoảng 7.260 m3/ngày đêm, tỷ lệ thu gom đạt khoảng 1/3 số dân.

Để tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn trong thời gian tới, các cấp chính quyền cần tăng cường chỉ đạo xã, thị trấn, huyện, thành phố vận động Nhân dân phân loại rác thải tại chỗ, xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình, đặc biệt là khuyến khích xử lý rác thải hữu cơ làm phân vi sinh; yêu cầu doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh ký hợp đồng thu gom rác thải sinh hoạt, sản xuất theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường; mở lớp tập huấn tuyên truyền cho Nhân dân hiểu được lợi ích của việc bảo vệ môi trường sống; tiếp tục đầu tư, hỗ trợ những xã, nhất là xã xây dựng nông thôn mới các công trình xử lý ô nhiễm môi trường mang tính bức xúc của địa phương.

Ngoài ra, các địa phương cần biểu dương gương người tốt, việc tốt trong phong trào tổng vệ sinh môi trường tuyến đường trục xã, thị trấn, trụ sở làm việc; đối với xã xây dựng, lắp đặt lò đốt rác thải cần vận hành lò đốt đảm bảo xử lý triệt để rác thải; trồng cây xanh xung quanh khu xử lý có chiều rộng khoảng 3 – 5 m nhằm giảm thiểu mùi phát sinh từ khu xử lý rác ra môi trường và khu dân cư.

Về lâu dài, tỉnh cần tập trung nâng cao năng lực hệ thống quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và thu gom rác thải ở các cấp, ngành, địa phương; tăng cường thu hút theo mô hình xã hội hóa, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, tư nhân có tâm huyết, tiềm lực kinh tế đầu tư thành lập tổ, đội, xí nghiệp thu gom xử lý rác thải theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hóa, bảo vệ môi trường; đồng thời kiên quyết xử phạt hành vi xả rác thải không đúng nơi quy định, răn đe, giáo dục, phát huy tốt hơn tính tự giác chấp hành giữ gìn vệ sinh môi trường.

Đ.Hà /Quangbinh.gov

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Bình: Tăng cường quản lý hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.