Quảng Nam (Bài 1): Khu di tích lịch sử hay trang trại nuôi heo?

Anh Vũ|07/12/2020 05:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tại địa bàn huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam), một khu di tích rộng hàng chục ha đang bị chiếm dụng đất, trở thành nơi chăn nuôi gia súc, gia cầm, thu lợi cá nhân. Khu chăn nuôi tự phát làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường xung quanh, gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh phát sinh.

VIDEO: Quảng Nam (Bài 1): Khu di tích lịch sử hay trang trại nuôi heo?

Khu di tích căn cứ khu V là di tích cấp Quốc gia, toạ lạc tại xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây đang lưu giữ nhiều ký ức hào hùng nhất trong những năm tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1973 – 1975).

Thế nhưng, tại khu vực khuôn viên của khu di tích nói trên, đang xảy ra tình trạng chiếm dụng đất di tích để xây dựng một khu chăn nuôi tự phát, gây ô nhiễm môi trường. Theo như người dân địa phương cho biết, việc sử dụng đất của khu di tích để chăn nuôi bất hợp pháp đã diễn ra nhiều năm nay, thế nhưng vẫn không hề bị các cơ quan chức năng xử lý.

Dưới chân nhà công vụ tràn ngập phân gia súc.

Ông Hồ Văn Duyên – Trưởng thôn Trà Va, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Khu trại chăn nuôi này không sạch sẽ lắm. Nếu để chăn nuôi cho đẹp cho đúng thì phải có chuồng trại, có hố biogas xử lý chất thải, từ đó nó không tràn ra ngoài làm ô nhiễm môi trường. Đằng này ở đây họ chăn nuôi kiểu thả rông, không đẹp và không sạch sẽ.”

Tình trạng sử dụng đất di tích để chăn thả gia súc, gia cầm khiến cho nhiều nhà công vụ tại đây rơi vào tình trạng tràn ngập phân động vật. Phía dưới khoảng trống của những trụ nhà, phân trâu bò nằm la liệt, bốc mùi hôi thối. Trong suốt thời gian mưa bão vừa qua, lượng phân trâu bò không được xử lý càng lan rộng và làm trầm trọng hơn vấn đề môi trường quanh khu vực.

Phần đất di tích bị chiếm dụng, rào kín thành địa điểm chăn nuôi tự phát.

Bên cạnh đó, một phần lớn diện tích đất của khu di tích có dấu hiệu bị rào kín bằng lưới thép, nuôi thả rông heo và gà. Với hình thức tự phát, không thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường chăn nuôi, lượng chất thải từ vật nuôi đang ngày đêm chảy về phía bãi cỏ phía sau nhà rông chính, bốc mùi hôi thối nghiêm trọng. Có mặt tại địa điểm trên, nhiều người sẽ dễ dàng nghe thấy mùi hôi nồng nặc bốc lên, xộc vào khoang mũi.

Việc sử dụng đất di tích vào mục đích chăn nuôi, thu lợi cá nhân đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến bộ mặt của khu di tích cấp Quốc gia này. Nhiều đoàn du khách đến thăm quan di tích sẽ phải hàng ngày hứng chịu những sự ô nhiễm đến từ việc chăn nuôi kể trên.

Việc quản lý khu di tích được thực hiện ra sao, mà lại khiến cho thực trạng trên diễn ra trong suốt nhiều năm qua? Dư luận đang rất mong mỏi nhận được câu trả lời từ các cơ quan tham gia quản lý khu di tích.

Anh Vũ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Nam (Bài 1): Khu di tích lịch sử hay trang trại nuôi heo?