Dịch tả lợn châu Phi tái phát ở nhiều địa phương trên cả nước

Minh Châu (t/h)|07/12/2020 02:49
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sau một thời gian lắng xuống, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang có dấu hiệu tái phát ở nhiều địa phương.

Theo báo cáo số 9703/UBND-NN ngày 30/11/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng: vào 14h ngày 27/11/2020, có 11 con lợn của 2 hộ với tổng đàn là 24 con ở thôn 4, xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh bị dịch bệnh tả lợn châu Phi. Nhận tin báo của người dân, ngành thú y tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng V xét nghiệm và có kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Lực lượng chức năng cũng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ 24 con lợn này.

Trước tình hình dịch bệnh tái phát, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm soát, buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn để phòng, chống dịch. Đồng thời xử lý nghiêm các hộ chăn nuôi vi phạm trong việc giết mổ, buôn bán lợn bị nhiễm bệnh ra bên ngoài.

Công tác tiêu hủy lợn mắc bệnh

Còn tại Sóc Trăng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, vừa tiến hành tiêu hủy đàn lợn (56 con) nhiễm DTLCP tại hộ ông Phan Văn Dơn (ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm).

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, thời gian qua, DTLCP đã tái phát trên địa bàn 26 xã thuộc bảy huyện, thị xã, thành phố làm 423 con lợn mắc bệnh, ốm chết, phải tiêu hủy với trọng lượng 22.662 kg. Tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các địa phương tiếp tục giám sát chặt chẽ DTLCP và các loại dịch, bệnh khác, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình, hiện DTLCP đã xảy ra tại hai huyện Tuyên Hóa và Quảng Trạch làm 32 con lợn chết và phải tiêu hủy với trọng lượng 1.265 kg. Dịch bệnh có dấu hiệu lây lan sang xã Tiến Hóa của huyện Tuyên Hóa. Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, phun thuốc tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột tại khu vực chuồng trại của các hộ gia đình chăn nuôi có dịch; tạm dừng hoạt động mua bán gia súc khu vực có dịch; khoanh vùng ổ dịch, thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại địa bàn có dịch và các xã có nguy cơ lây nhiễm cao.

DTLCP đã tái phát trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, với tổng đàn lợn mắc bệnh 37 con, tại hộ ông Nguyễn Sắc Cướng, ấp Trà Nóc, xã Song Lộc, huyện Châu Thành. Ngành chức năng đang rà soát lại tổng đàn lợn tại địa phương, những hộ nuôi mới để theo dõi, giám sát dịch bệnh; vận động hộ chăn nuôi hằng ngày kiểm tra thể trạng đàn lợn, phát hiện triệu chứng bất thường báo ngay cho cơ quan chuyên môn. Ðồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền dịch bệnh để người dân hiểu rõ, chủ động phòng, chống hiệu quả và báo cáo kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

Trước diễn biến phức tạp của DTLCP ở một số tỉnh, thành phố, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các trạm thú y cơ sở tăng cường giám sát dịch bệnh; đẩy mạnh công tác kiểm tra trên các tuyến giao thông, phải xuất trình được giấy chứng nhận lợn khỏe mạnh, có giấy kiểm dịch hoặc xét nghiệm mầm bệnh âm tính gần nhất, có nguồn gốc xuất xứ mới cho lưu thông. Ðồng thời, cử các kiểm dịch viên thực hiện kiểm soát giết mổ, kiểm tra các điểm chợ, các điểm chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh.

Minh Châu (t/h)

Bài liên quan
  • Quảng Ninh: Nâng cao hiệu quả lĩnh vực chăn nuôi
    Moitruong.net.vn – Quảng Ninh được đánh giá không chỉ có lợi thế cạnh tranh mà còn nhiều dư địa để phát triển chăn nuôi. Chính vì thế, bằng các giải pháp nâng cao chất lượng con giống và công nghệ chăn nuôi, đồng thời cơ cấu lại công tác quản lý đã từng bước góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Dịch tả lợn châu Phi tái phát ở nhiều địa phương trên cả nước