Moitruong.net.vn
– Công văn số 5124/SCT-QLTM, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn thành phố.
Một số nguyên nhân chính dẫn đến bệnh dịch lây lan nhanh là do: Nhiều hộ chăn nuôi lợn sử dụng nguồn thức ăn tận dụng, thức ăn dư thừa tại các bếp ăn, nhà hàng; một số hộ qua lại tại các hộ có lợn bị bệnh dịch…; một số địa phương xảy ra tình trạng ứ đọng rác thải gây ô nhiễm môi trường; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan còn thiếu chặt chẽ trong công tác phòng, chống bệnh dịch; công tác tuyên truyền chưa được sâu rộng, hình thức chưa đa dạng; hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn chủ quan, chưa hiểu rõ về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch nên công tác phòng, chống bệnh dịch chưa đảm bảo, thiếu đồng bộ, hiệu quả.
Ảnh minh họa
Công văn số 5124/SCT-QLTM, nêu rõ thực hiện thông báo Kết luận số 520/TB-VP, ngày 4-11-2020, của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu tại cuộc họp bàn về biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương đề nghị Sở NN&PTNT thông tin hằng tháng, đột xuất về tình hình diễn biến bệnh dịch; số lượng lợn hiện có, khả năng tái đàn và dự kiến nguồn cung thịt lợn cho thị trường Hà Nội trong thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đồng thời, bổ sung thêm thông tin về giá thịt lợn hơi xuất chuồng tại các trang trại và giá thịt lợn giết mổ tại các cơ sở giết mổ lợn trên địa bàn thành phố vào báo cáo hằng tháng, đột xuất về bệnh DTLCP.
Liên quan đến nhiệm vụ trên, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn trên địa bàn về tác hại, tính chất lây lan và các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP.
Các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi, cửa hàng kinh doanh tiện lợi, các đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ: Kinh doanh thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn phải đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ, được kiểm dịch thú y, không kinh doanh thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn không có nguồn gốc, xuất xứ, chưa qua kiểm dịch thú y; chủ động phối hợp với các sở, ngành và lực lượng chức năng triển khai biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và ứng phó với bệnh DTLCP.
Sở NN&PTNT duy trì hoạt động 24/24 giờ các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra vào thành phố. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm trên địa bàn thành phố; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo Sở làm trưởng đoàn đến các địa phương có bệnh DTLCP (chưa qua 21 ngày) để kiểm tra, hướng dẫn, phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.
Đối với các đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ tích cực tuyên truyền cho các hộ kinh doanh thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn trong chợ thực hiện các quy định nêu trên; đề nghị cơ quan thú y kiểm soát chặt chẽ nguồn thịt lợn vào kinh doanh trong chợ. Bên cạnh đó, theo dõi thường xuyên tình hình giá cả các mặt hàng thịt lợn trên thị trường, thông tin thường xuyên và đột xuất về Sở Công Thương khi mới xuất hiện những biến động bất thường của thị trường.
Trọng Nhân