Sau giai đoạn mưa bão dịch bệnh bùng phát trở lại tương đối nhiều, nguyên nhân là do mầm bệnh ở trong cơ thể lợn tại những ổ dịch cũ tích tụ lâu ngày, môi trường không được xử lý, người dân cố tình bán chạy lợn ốm, hay như thói quen mổ lợn chia nhau tại khu vực miền núi…
Ảnh minh họa
Xã Nam Thành (Yên Thành) là địa phương tái phát bệnh dịch tả lợn châu Phi từ đầu tháng 10, tại 2 xóm Hợp Thành và Tây Hồ. Vì vậy, sau đợt lũ này nguy cơ tái bùng phát dịch là rất cao. Chủ tịch UBND xã Nam Thành cho biết, trong đợt lũ vừa qua, địa phương có 3 xóm bị ngập nước, trong đó có xóm Tây Hồ đang xảy ra dịch tả lợn châu Phi, bị ngập nặng.
Nhận định mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi tồn tại trong môi trường, có nguy cơ lây lan ra diện rộng, do vậy ngay sau khi lũ rút, xã Nam Thành đã tổ chức nạo vét kênh mương tiêu thoát nước, tổ chức phun tiêu độc khử trùng, đặc biệt là khu vực chuồng trại chăn nuôi của các hộ dân. Cùng đó, xã tuyên truyền, vận động người dân mua thêm vôi bột, hòa với nước để rắc xung quanh chuồng trại, lối ra vào.
Huyện Diễn Châu trong ngày 8/11 có thêm xã Diễn Hải có lợn bị ốm chết, cơ quan thú y đã có kết quả xét nghiệm bệnh phẩm dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến ngày 9/11, Nghệ An còn 30 xã của 12 huyện, thành phố có bệnh dịch tả lợn châu Phi, gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Đô Lương, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Quế Phong, Quỳ Hợp và TP. Vinh.
Để tạo hệ miễn dịch cho đàn vật nuôi trước mùa mưa bão, đồng thời tránh những hậu quả không đáng có, Sở NN-PTNT tỉnh yêu cầu các UBND huyện, thành phố, thị xã khẩn trương đăng ký nhu cầu mua vắc-xin, huyện nào không đăng ký, hoặc mua không đúng số lượng phải có văn bản nêu rõ lý do.
Ngoài ra đơn vị cũng khuyến cáo, trường hợp không chấp hành theo đúng tinh thần của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT và Cục Thú y, khi dịch xảy đến buộc phải tiêu hủy và không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định. Liên quan đến nội dung này, nhất thiết tỉnh Nghệ An phải thực sự có động thái chỉ đạo quyết liệt hơn, tránh tình trạng mất bò mới lo làm chuồng.
Minh Châu