Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), từ đầu tháng 5 đến nay đã ghi nhận 2 đợt dịch tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương. Mới đây, từ ngày 28/9 đến ngày 28/10, dịch đã phát sinh tại 17 hộ ở 6 thôn, 5 xã của 4 huyện, thành phố (Bình Liêu, Móng Cái, Đầm Hà, Uông Bí). Tổng số lợn buộc phải tiêu hủy 130 con, trọng lượng gần 4,5 tấn.
Bà Chu Thị Thu Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) nhận định: Nguyên nhân phát sinh dịch có thể do mầm bệnh lây lan từ nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi; sản phẩm từ thịt lợn người dân mua bán về sử dụng; nguồn con giống trôi nổi không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, thời tiết diễn biến phức tạp khiến mầm bệnh tồn lưu trong môi trường tại các ổ dịch cũ cũng như trong đàn vật nuôi chiếm tỷ lệ cao…
Lợn bị dịch tả lợn châu Phi được xử lý tiêu hủy đúng quy trình.
Ngay khi phát hiện các ổ dịch mới, Chi cục đã phối hợp khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo khống chế nhanh và xử lý dứt điểm, không để dịch lây lan kéo dài. Chủ động triển khai giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan.
Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, nguyên nhân phát sinh dịch tả lợn châu Phi trong thời gian gần đây chủ yếu do ý thức người chăn nuôi lợn chưa cao, nhập lợn nuôi mới không khai báo, mua lợn từ các thương lái không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, tình hình kiểm soát mua bán lợn giữa các tỉnh chưa chặt chẽ, tình trạng vận chuyển bằng xe máy còn diễn ra, khiến nguy cơ lây lan dịch rất cao.
Trong khi đó, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học còn hạn chế; công tác tiêu độc khử trùng chuồng trại tại một số địa phương không được thực hiện thường xuyên. Các ổ dịch tả lợn châu Phi tái phát xảy ra chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện phòng dịch và không áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học. Dịch bệnh tái phát, lây lan sẽ ảnh hưởng đến tái đàn, tăng đàn.
Trước tình trạng này để khống chế ngăn chặn không để dịch tả lợn châu Phi tái phát trở lại, tỉnh yêu cầu tại những nơi có dịch, các địa phương chỉ đạo thực hiện việc tiêu hủy lợn theo đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không chủ quan, lơ là trong phòng dịch và khuyến cáo người dân báo ngay cho chính quyền hoặc cơ quan thú y để xử lý kịp thời các trường hợp lợn bị bệnh ngay khi mới phát hiện.
Các địa phương cần trang bị đầy đủ vật tư, hoá chất để khử trùng tiêu độc vệ sinh chuồng trại; nắm chắc tình hình tái đàn lợn để có phương án phòng, chống dịch hiệu quả; tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm, nhất là đối với lợn thịt, lợn giống…
Hiện nay, thời tiết đang chuyển mùa, độ ẩm lớn tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán rộng, đồng nghĩa với việc nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong những tháng cuối năm là rất lớn. “Để đối phó với dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, ngành phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền các chủ cơ sở chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo tiêm phòng các loại vắc xin: Sử dụng con giống sạch bệnh; cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất; nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi… Đặc biệt, hiện ngành cũng đang xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025” – Bà Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y nhấn mạnh.
Minh Anh