Dịch tả lợn Châu Phi tái phát

Mai An (t/h)|25/06/2020 11:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trên địa bàn tỉnh Lai Châu, Cao Bằng đang có diễn biến đáng lo ngại khi đã tái phát dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên diện rộng, đe dọa sự an toàn của đàn lợn

Tại Lai Châu, ngày 24/6, ông Phạm Anh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu) cho biết, sau hơn 2 tháng công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Lai Châu, dịch bệnh này lại tiếp tục tái phát trở lại tại 4/7 xã, phường thuộc thành phố Lai Châu.

Hiện cơ quan chuyên môn, địa phương đang khẩn trương chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc thực hiện những biện pháp nhằm khoanh vùng, ngăn chặn dịch bệnh lây rộng ra các địa bàn lân cận.

Cụ thể, ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại bản Màng, phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu vào ngày 8/6. Các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương và có kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đến ngày 10/6, Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu đã có quyết định công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn phường Quyết Thắng.

Từ ngày 15/6 đến nay, các ổ dịch liên tiếp bùng phát tại các bản khác của phường Quyết Thắng, phường Đông Phong và xã San Thàng, xã Sùng Phài. Đến nay, phường Quyết Thắng, xã San Thàng, xã Sùng Phài đã có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Như vậy, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 9 hộ chăn nuôi, 6 bản của phường Quyết Thắng và xã San Thàng, Sùng Phài; với tổng số lợn mắc bệnh gần 100 con, trọng lượng đã tiêu hủy trên 6,5 tấn

Trước diễn biến nhanh chóng của dịch bệnh, UBND tỉnh Lai Châu đã yêu cầu triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật và tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ gia đình về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh tả lợn châu Phi, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh và thiệt hại kinh tế đối với đời sống của bà con nhân dân; giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan cán bộ phụ trách các địa phương; thành lập đoàn thường xuyên đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở….

Ảnh minh họa.

Tại Cao Bằng, Theo Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn cho biết, dịch tái phát từ ngày 24/4, tính đến ngày 20/6, đã có 103 hộ chăn nuôi, ở 50 xóm, thuộc 30 xã, thị trấn tại 9/10 huyện, thành phố trong tỉnh tái phát dịch TLCP. Các ổ dịch rải rác tại khắp các địa phương và đáng lo ngại nhất là dịch bệnh có diễn biến phức tạp, chưa được khống chế, có chiều hướng lây lan ra diện rộng.

Tại thành phố Cao Bằng có 143 con lợn, tổng trọng lượng hơn năm tấn lợn hơi của 40 hộ chăn nuôi ở 13 xóm, tổ dân phố tại năm xã, phường tái phát dịch TLCP. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Cao Bằng Tống Kim Long chia sẻ, dịch TLCP tái phát trên địa bàn do ba nguyên nhân, một số hộ chăn nuôi tái đàn mua con giống không rõ nguồn gốc, mang theo mầm bệnh TLCP, trên địa bàn chưa có trung tâm cung cấp giống lợn bảo đảm chất lượng. Việc vận chuyển lợn hơi, sản phẩm từ lợn từ bên ngoài vào địa bàn mang theo mầm bệnh, khó kiểm soát. Dịch tái phát từ các ổ dịch cũ; xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đến nay, TP Cao Bằng đã công bố dịch tại 2/5 xã, phường tái phát dịch TLCP, các địa bàn còn lại đang kiểm tra, giám sát chặt chẽ diễn biến của dịch.

Tái phát dịch TLCP tại Cao Bằng đã ảnh hưởng lớn đến nông dân mới “gượng dậy” tái đàn và ngăn chặn nỗ lực phục hồi chăn nuôi lợn. Các địa phương, ngành nông nghiệp Cao Bằng quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch nhưng nguy cơ dịch TLCP lây lan diện rộng vẫn khá lớn. Hiện tại, các địa phương trong tỉnh đã thông báo rộng rãi đến các hộ chăn nuôi về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, mức độ nguy hiểm của dịch TLCP đối với đàn lợn, cách nhận biết và các biện pháp phòng, chống để người dân thực hiện; hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.

Đối với các xã chưa có dịch, thực hiện khoanh vùng, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch nhằm bảo vệ đàn lợn, nhất là đàn lợn giống để bảo đảm nguồn giống lợn thực hiện tái đàn sau khi hết dịch. Lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc ra vào địa bàn. Các địa phương tái phát dịch, thực hiện việc tiêu hủy đối với lợn mắc bệnh và áp dụng nghiêm các biện pháp xử lý ổ dịch theo quy định; tăng cường theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn quản lý để kịp thời xử lý khi dịch bệnh lây lan.

Mai An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Dịch tả lợn Châu Phi tái phát
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.