(Moiruong.net.vn) – Hai địa phương là Đà Nẵng và Quảng Nam vừa tổ chức đối thoại liên tỉnh lần thứ 4 (SLD4) về công tác cảnh báo lũ sớm, điều tiết nước của các thủy điện và góc nhìn cộng đồng. Buổi đối thoại là hoạt động định kỳ nhằm đánh giá lại sự phối hợp của 2 địa phương năm 2017 và thống nhất kế hoạch phối hợp thời gian tới.
Sông Thu Bồn
Năm 2017, tỉnh Quảng Nam và Tp. Đà Nẵng đã triển khai tích cực các hoạt động của Ban điều phối nhằm thực hiện đúng nội dung và tiến độ mà 2 địa phương đã đề ra. Qua đó, giúp ứng phó với tình hình thiên tai và ô nhiễm môi trường đang diễn ra nghiêm trọng trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam và Đà Nẵng, tác động trực tiếp đến đời sống người dân ở khu vực này.
Cũng trong năm 2017, với sự hỗ trợ của Tổ chức CARE tại Việt Nam, Tp. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã tiến hành đánh giá về tính dễ bị tổn thương đối với lũ lụt, hạn hán của cộng đồng sinh sống tại lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.
Theo nghên cứu này, 5 xã dễ bị rủi ro bởi lũ lụt và khô hạn được chọn để đánh giá là Điện Trung (Điện Bàn), Đại Hồng (Đại Lộc), Cẩm Kim (Hội An) và Hòa Khương, Hòa Tiến (Hòa Vang, Đà Nẵng). Đây là các địa phương luôn đối diện với hiểm họa ngập lụt và khô hạn thiếu nước gây ảnh hưởng đến cộng đồng dân sinh. Vấn đề này càng nguy ngập hơn vào mùa mưa lũ liên quan đến cảnh báo sớm và điều tiết của các thủy điện. Đặc biệt, qua nghiên cứu cũng nhận thấy xu hướng ngập lụt và khô hạn cũng thay đổi khá rõ rệt trong 10 năm gần đây, nhất là trước và sau khi xây dựng các công trình thủy điện đầu nguồn Vu Gia – Thu Bồn cũng như các công trình đường cao tốc, cơ sở hạ tầng.
Trên cơ sở phối hợp thời gian qua, năm 2018, 2 địa phương sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo về đánh giá xây dựng bản đồ ngập lụt của hạ lưu sông Thu Bồn – Vu Gia; phối hợp triển khai dự án về quản lý ngập lụt tại 3 địa phương Hòa Vang, Đại Lộc và Điện Bàn. Ngoài ra, triển khai hợp phần dự án giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đăng ký đề tài cấp nhà nước để huy động nguồn lực của các Bộ ngành để phục vụ cho quản lý khu vực hạ nguồn Thu Bồn – Vu Gia.
Theo Monre