Quảng Nam: Dân thoát nghèo từ cây dược liệu quý ba kích tím

Minh Anh (t/h)|01/11/2019 09:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đồng bào Cơ Tu kỳ vọng ba kích tím sẽ là một trong những cây dược liệu giúp bà con dân tộc tại các huyện miền núi cao tỉnh Quảng Nam thoát nghèo.

Ba kích tím còn có tên là dây ruột già, tên khoa học Morinda officinalis stow, họ cà phê (RUBIACEAE). Đây là cây dây leo bằng thân quấn, sống nhiều năm. Ngọn có cạnh, màu tím, có lông, khi già thì nhẵn. Lá mọc đối, hình mác hoặc bầu dục thuôn nhọn; phiến lá cứng có lông tập trung ở mép và ở gân, khi già ít lông hơn, màu trắng mốc, dài 6-15cm, rộng 2,5-6cm, cuống ngắn. Lá mỏng ôm sát vào thân. Ba kích tím có vị cay, ngọt, tính ấm. Chủ yếu, người dân thu hái rễ cây ba kích tím để bán. Tác dụng của cây ba kích tím bổ thận, tráng dương cường gân cốt, khử phong thấp… Ba kích tím còn có tác dụng tăng lực rõ rệt với bệnh nhân tuổi già, suy nhược cơ thể, mệt mỏi, ăn ngủ kém, yếu sinh lí, gân cốt yếu…

Huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Ba kích là một trong những loài dược liệu quý được địa phương đưa vào trồng thử nghiệm trên diện tích 4ha. Vùng trồng cây dược liệu thuộc thôn Aduông, cách thị trấn P’rao chừng nửa giờ đồng hồ đi xe máy và lội bộ đường rừng.

Ảnh minh họa

Mô hình trồng cây ba kích tại đây được UBND huyện Đông Giang giao cho Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện triển khai từ cuối 2018. Đến nay, đã có hơn 26.000 cây giống ba kích được trồng dưới tán rừng, tỷ lệ sống đạt từ 85 – 90%.

Thực hiện mô hình này, nhà nước đầu tư 100% cây giống ba kích, phân bón hữu cơ vi sinh, hỗ trợ công chăm sóc, kỹ thuật trồng; Hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác sản xuất để nhóm hộ tham gia bảo tồn, phát triển cây ba kích, tạo đà phát triển vùng dược liệu.

Khi tham gia vào mô hình trồng cây ba kích ở huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, các nhóm hộ đồng bào Cơ Tu được tập huấn kỹ thuật liên quan đến trồng cây dược liệu dưới tán rừng như: kỹ thuật xây dựng vườn ươm, chăm sóc cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế ba kích.

Chị Pơ Loong Vờn, Cán bộ khuyến nông thị trấn P’rao, huyện Đông Giang cho biết, việc đưa vào trồng cây ba kích là hướng đi đúng. Đây là chương trình trọng tâm của huyện.

“Sau khi nhận được nguồn kinh phí, Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện triển khai từ năm 2018. Nhìn chung thấy bà con làm rất tốt. Bà con rất hưởng ứng và hài lòng về mô hình này”, chị Pơ Loong Vờn cho hay. Để giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thoát nghèo, tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về quy hoạch, bảo tồn, phát triển cây dược liệu.

UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn giai đoạn 2018- 2025, định hướng đến năm 2030, với diện tích gần 64.200ha.

Tại xã Lăng, huyện Tây Giang đã hình thành vùng bảo tồn cây ba kích tím rộng 6 ha dưới tán rừng nghèo, rừng tự nhiên do Hạt Kiểm lâm Bắc Sông Bung quản lý. Hiện, ngoài HTX Thiên Bình, tại huyện miền núi cao này còn có 2 tổ hợp tác giúp bà con trồng cây ba kích tím cũng như xây dựng thương hiệu ba kích.

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, tiềm năng phát triển cây dược liệu ở huyện Tây Giang rất lớn. Để sản phẩm ba kích cũng như các loại dược liệu khác của đồng bào Cơ Tu nơi đây sớm trở thành hàng hóa cần có những giải pháp cụ thể hơn.

Có thể thấy rằng, tiềm năng phát triển cây ba kích tím của huyện Đông Giang là rất lớn. Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, kỹ thuật của huyện và thực tế đã khẳng định, cây ba kích tím là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững loại dược liệu quý này thì điều quan trọng nhất là sự chủ động trong trồng, phát triển cây ba kích của bà con nhân dân. Bởi, không chỉ giữ gìn thương hiệu ba kích tím của huyện miền núi Đông Giang, mà trồng ba kích còn đem lại thu nhập cho gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện.

Minh Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Nam: Dân thoát nghèo từ cây dược liệu quý ba kích tím
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.