Nông dân tham gia dự án đánh giá, sản xuất lúa theo phương pháp canh tác thân thiện với môi trường tốn công hơn, thời gian thăm đồng nhiều hơn, nhưng có nhiều tính ưu việt hơn. Lúa sinh trưởng phát triển tự nhiên, nông dân hạn chế dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên tạo ra nguồn gạo sạch, an toàn.
Ông Lê Văn Quả (xã Bình Chánh) cho biết, vụ mùa trước đây ông gieo sạ 5 – 6kg giống/sào cho thửa ruộng của gia đình, khi áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường thì lượng giống giảm còn 4kg/sào. Ngoài ra còn giảm sử dụng phân bón, lượng nước nhờ sạ sưa, cây đẻ nhánh nhiều và rất đạt năng suất.
Tham quan mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường
Ông Nguyễn Út – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, dự án được triển khai từ vụ đông xuân 2021 – 2022 và kết thúc sau vụ đông xuân 2022 – 2023. Ban đầu mô hình triển khai trình diễn trên diện tích hơn 2.000m2.
Mục tiêu dự án là giảm lượng nước tưới và 20% lượng giống, tập trung vào 3 kỹ thuật chính: giảm phân hóa học, tưới ướt – khô xen kẽ và xử lý rơm rạ để nông dân áp dụng biện pháp sản xuất lúa theo hướng bền vững, góp phần giảm thiểu tác động đối với môi trường.
“Qua đánh giá bước đầu cho thấy ruộng áp dụng thâm canh lúa theo hướng thân thiện với môi trường so với ruộng làm theo tập quán truyền thống nông dân giảm được lượng giống, giảm được lượng phân đạm 20-30%, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, giảm lượng chi phi đầu tư, tăng năng suất lúa.
Theo ông Út, thời gian tới Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tuyên truyền để mở rộng diện tích canh tác, thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng lúa thân thiện với môi trường, tạo thương hiệu cho gạo an toàn, bảo đảm đầu ra ổn định.
Vũ Thành