Sáng 21/10, ở thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) có mưa to đến rất to kéo dài, cộng với lượng mưa trong đêm đã khiến nhiều đoạn ở một số tuyến đường bị ngập nước, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Trong đó, nhiều đoạn trên các tuyến đường: Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lý Thường Kiệt… bị ngập từ 0,3 - 0,4m, có đoạn bị ngập đến khoảng 0,5m. Các phương tiện lưu thông khó khăn, chết máy nên nhiều người dân phải dắt bộ đến các điểm sửa xe máy để sửa chữa rồi tiếp tục hành trình. Nước dâng cao cũng khiến một số hàng, quán phải đóng cửa, tạm ngừng buôn bán.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam thông tin, trong 24 giờ qua, các địa phương ở tỉnh Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa từ sáng 20/10 đến sáng 21/10 phổ biến ở mức 10 - 50mm, trong đó thành phố Tam Kỳ là 127mm.
Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND TP Tam Kỳ cho biết, mưa lớn từ tối qua đến sáng 21/10, khiến một số tuyến đường ở thành phố ngập nước. Do đó, UBND TP Tam Kỳ chỉ đạo các ban ngành đi kiểm tra hệ thống cống thoát nước để đảm bảo khi mưa lớn sẽ thoát nước nhanh trên các tuyến đường thành phố. Ngoài ra cũng cử lực lượng chức năng chốt chặn những đoạn đường ngập nước sâu không cho phương tiện lưu thông qua để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân. Hiện nay TP Tam Kỳ đang làm đề án về hệ thống thoát nước toàn thành phố.
Dự báo từ ngày 21/10 đến ngày 22/10, các địa phương trong tỉnh và vùng biển có mưa vừa, có nơi mưa to đến mưa rất to và dông, với lượng mưa vùng núi phía Bắc phổ biến từ 20 - 50mm, có nơi trên 70mm, vùng núi phía Nam và vùng đồng bằng ven biển phổ biến từ 40 - 80mm, có nơi trên 120mm.
Trong 3 giờ tới một số địa phương có khả năng xảy ra lượng mưa to đến rất to như: Thăng Bình, Quế Sơn, Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh, Bắc Trà My, Tiên Phước và một số địa phương lân cận. Đề phòng có nơi có lượng mưa lớn hơn 30mm trên 1 giờ.
Cơ quan chức năng cảnh báo các địa phương cần đề phòng sét và gió giật mạnh trong cơn dông; mưa lớn gây nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét tại sông suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông suối nhỏ; gây ngập úng tại vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.