Đó là chia sẻ của ông Trần Út, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Nam tại hội thảo về đa dạng sinh học và tín chỉ carbon rừng, do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức mới đây.
Quảng Nam là một trong những tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn của Việt Nam. Rừng và đa dạng sinh học ở Quảng Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ các lưu vực, chống xói mòn đất, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng thích ứng cho các cộng đồng.
Đây cũng là địa phương tiên phong trong công tác bảo tồn ĐDSH khi ban hành chiến lược bảo tồn ĐDSH hệ sinh thái rừng phía tây của tỉnh vào năm 2005.
Ông Trần Út cho biết, để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy quản lý rừng bền vững, năm 2020 UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt và ban hành kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD+) giai đoạn 2020 - 2030.
Quảng Nam cũng là tỉnh đầu tiên được Chính phủ cho phép nghiên cứu, lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện trình Bộ NN&PTNT thẩm định, đề án vẫn chưa được phê duyệt do còn hạn chế về mặt kỹ thuật cũng như vướng mắc về pháp lý.
Đến nay, Quảng Nam cũng chưa được đưa vào chương trình giảm phát thải từ REDD+ theo tiêu chuẩn TREES vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên do Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp - LEAF thực hiện.
“Với quyết tâm tham gia thị trường carbon, Quảng Nam đang nỗ lực hoàn thiện về hồ sơ để tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đề án của tỉnh hoặc tham gia các dự án carbon vùng.
Đồng thời thực hiện các dự án đầu tư phục hồi rừng, tạo nguồn tài chính bền vững để triển khai các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, chi trực tiếp cho công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, hỗ trợ sinh kế cho người dân miền núi... góp phần giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng, quản lý rừng bền vững và tăng trưởng xanh” - ông Út chia sẻ.
Ông Hà Phước Phú - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, ngay sau khi có chủ trương cho phép thí điểm của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam tiến hành đánh giá, phân tích 5 nhà đầu tư tiềm năng để lựa chọn, ký kết thỏa thuận thực hiện. Cùng với đó, Quảng Nam hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ TN-MT thẩm định, phê duyệt đề án.
Theo ông Phú, ngoài các gói can thiệp để tăng cường trữ lượng carbon, nội dung chính của đề án, đến năm 2025 sẽ tạo ra 7,9 triệu tấn carbon tương đương giảm được thông qua các hoạt động chống mất rừng đến năm 2025. Trên cơ sở đó, sẽ xác minh và phát hành được 6,1 triệu tín chỉ carbon rừng cho giai đoạn 2018 - 2025.
Ông Vũ Tấn Phương - Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho biết, thách thức hiện nay là khung pháp lý, hướng dẫn chưa chi tiết và rõ ràng về đầu tư, quyền carbon, chia sẻ lợi ích, cũng như cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương và quy định về đăng ký, thương mại tín chỉ carbon.
Ngoài ra, hạn chế về năng lực kỹ thuật trong xây dựng, thực hiện dự án carbon rừng; dữ liệu, minh bạch, công khai thông tin; tăng chi phí trong xây dựng, thực hiện dự án và thương mại tín chỉ carbon... cũng trở nên thách thức trong việc kinh doanh tín chỉ carbon rừng.
Tại hội thảo chuyên đề “Đa dạng sinh học và tín chỉ carbon rừng” vừa được tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Hồ Quang Bửu nói, Quảng Nam rất trăn trở trong vấn đề bán tín chỉ carbon.
Thời điểm Thủ tướng Chính phủ cho phép Quảng Nam xây dựng đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng, địa phương rất vui mừng. Do vậy, Quảng Nam đã dồn nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ, phát triển rừng để bán tín chỉ carbon nhưng “làm mãi không được do vướng cơ chế”.
Theo ông Bửu, mặc dù chưa thể bán tín chỉ carbon nhưng Quảng Nam vẫn quyết tâm giữ rừng và quan tâm đến phát triển sinh kế cho người dân dưới tán rừng.
Vì vậy, bên cạnh tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về tín chỉ carbon, Sở NN&PTNT sớm tham mưu UBND tỉnh báo cáo, đề xuất Chính phủ thành lập tổ chuyên trách về tín chỉ carbon. Tổ chuyên trách này có sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành, các địa phương liên quan để giải quyết các vướng mắc.