Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh mục, lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Quyết định số 896/QĐ-TTg về phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; các Thông tư hướng dẫn thực hiện kiểm kê khí nhà kính trong các lĩnh vực và xu hướng phát triển thị trường các-bon trên thế giới.
Nằm trong chuỗi sự kiện “Cộng đồng và doanh nghiệp Việt Nam- Ứng phó biến đổi khí hậu” (02 sự kiện đầu tiên đã được Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam lần lượt tổ chức trong tháng 12 năm 2022), với tầm nhìn chiến lược dài hạn về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và các cơ hội về phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cùng với các Hiệp hội, tổ chức quốc tế, cơ quan, ban, ngành, địa phương và các tổ chức quan tâm tiếp tục thực hiện thành công 02 sự kiện (đầu năm 2023) và nhận được nhiều sự quan tâm, tham dự, chia sẻ, kiến nghị thông tin. Sự kiện số 03 trong chuỗi được tổ chức vào ngày 26/5 tại TP Hà Nội với chủ đề “Diễn đàn Điện gió và mục tiêu Net zero vào năm 2050”; Sự kiện số 04 được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh (16/6) với Chương trình Lễ phát động Chiến dịch RACE TO NET ZERO và Diễn đàn “Cơ hội đầu tư, thương mại và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thị trường các- bon”. Các sự kiện này đã được sự quan tâm tham dự của hơn 500 đại biểu dự trực tiếp và gần 600 đại biểu dự trực tuyến trên các nền tảng (zoom, fanpage, youtube...).
Trên cơ sở những thông tin trao đổi, chia sẻ, kiến nghị thẳng thắn, rõ ràng, có tính xây dựng cao từ các đại biểu, chuyên gia, diễn giả tại 04 sự kiện nêu trên, Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã tổng hợp những nội dung quan trọng và xin được tiếp tục đề xuất, kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, cơ quan Bộ, ban ngành quản lý liên quan một số đề xuất cụ thể như sau:
Kiến nghị tới Bộ Công thương
- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng" trong đó trọng tâm về việc chuyển dịch năng lượng, thách thức, cơ hội, những vấn đề đặt ra và giải pháp, tác động của quá trình phát triển năng lượng đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học (cả trên cạn và dưới nước) và tình hình phát thải khí nhà kính. Trong đó, đề nghị làm rõ đóng góp của ngành năng lượng vào tổng phát thải của Việt Nam, khả năng đáp ứng mục tiêu trung hoà carbon trong thời gian tới; minh bạch về giá và về lâu dài cần thiết nghiên cứu sự tham gia xã hội hóa. Qua đó, với Quy hoạch điện VIII cần phải xây dựng các chiến lược, nội dung, hạng mục cụ thể để đưa ra lộ trình, phát triển các dự án năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII vừa ban hành; đồng thời đề xuất các kết quả thu được theo các mốc thời gian và tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm.
- Đối với các vấn đề liên quan tới phát triển điện gió ngoài khơi (ĐGNK) cần xây dựng Khung pháp lý cho năng lượng tái tạo (NLTT) và Điện gió ngoài khơi (ĐGNK); tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chính sách quản lý rác thải, tái chế, thu gom từ NLTT (tấm pin mặt trời, tuabin gió, tuabin sóng...); và tháo gỡ những nội dung khác cho phát triển ĐGNK như: Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch không gian cho năng lượng gió ngoài khơi (NLGNK) (Xung đột, mâu thuẫn, tranh chấp không gian biển của năng lượng tái tạo với các ngành kinh tế khác, dân cư); Tác động đến môi trường, đa dạng sinh học; Chuỗi cung ứng cho phát triển ĐGNK; Vốn, tài chính xanh cho ĐGNK; Hạ tầng cho ĐGNK, cáp ngầm, truyền tải, hợp đồng mua bán điện...); Chính sách Quốc gia dài hạn về ĐGNK (luật, nghị định cấp quốc gia về ĐGNK), cơ quan đầu mối, trình tự cập phép, thẩm định, thu hồi, gia hạn dự án; Sự tham gia của các cty nhà đầu tư nước ngoài; Tích hợp NLGNK và green hydrogen.
Kiến nghị tới Bộ Tài nguyên và Môi trường
Về việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính:
+ Quy trình thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính và kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đang nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp và vẫn chưa gắn liền với thực tế diễn ra. Trong đó với số lượng doanh nghiệp lớn (trước mắt là 2.000 doanh nghiệp) thuộc diện phải thực hiện các báo cáo về kiểm kê và kế hoạch giảm nhẹ thì quá trình thẩm định kết quả các báo cáo này cần phải đơn giản hóa và tăng tính áp dụng những ứng dụng, giải pháp công nghệ để thực hiện quá trình theo dõi, đo đạc, thẩm định.
+ Cần thực hiện ban hành sớm các tiêu chí về đơn vị, tổ chức đủ điều kiện thẩm định các báo cáo về giảm nhẹ phát thải, kiểm kê khí nhà kính. Các tiêu chí cần phải cụ thể, rõ ràng, minh bạch và phù hợp với thực tế. Xem xét cụ thể với tiến độ thực hiện thẩm định thực tế và những thuế, phí liên quan trong quá trình thẩm định cần thiết mở rộng thêm các tiêu chí để các tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm cho các kết quả, báo cáo của mình, qua đó góp phần tổng thể đơn giản, tinh gọn hóa quy trình, thủ tục và chi phí cho các cơ sở doanh nghiệp.
+ Đăng tải, công bố trên hệ thống trang tin, cổng thông tin điện tử của các cơ quan có thẩm quyền về đơn vị đủ điều kiện thẩm định các kết quả, báo cáo và các chuyên gia về kiểm kê khí nhà kính (xem xét thêm) cho cơ sở, doanh nghiệp và cộng đồng được biết và theo dõi, thực hiện.
+ Đôn đốc, phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng các quy định hướng dẫn về trình tự đo đạc, báo cáo, thẩm định khí nhà kính cho các lĩnh vực.
- Về phát triển thị trường các-bon
+ Các hoạt động kiểm kê khí nhà kính và kết quả từ quá trình này cần phải được thực hiện sớm để xây dựng các quy định về hạn ngạch và phân bổ hạn ngạch cho từng cơ sở, doanh nghiệp. Theo kinh nghiệm và thực tế trên thế giới, cần phải sớm đưa ra quy trình trao đổi, mua bán hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon và vận hành thí điểm trên thị trường vào cuối năm 2023 (TP Hồ Chí Minh đã có Nghị quyết về hoạt động này), từ đó đẩy sớm tiến độ và cần thiết có thể điều chỉnh, sửa đổi trong năm 2024.
+ Hoàn thiện và xây dựng sớm thị trường các-bon trong nước theo hướng tiếp cận để trao đổi, thượng mại với quốc tế. Nghiên cứu các phương pháp luận về dự án hình thành tín chỉ các-bon; chủ động kết hợp, hợp tác, liên thông với các quốc gia, tổ chức thẩm định dự án tín chỉ các-bon tự nguyện (Gold Standard, Verra, Global Carbon Council...) để tăng thêm kinh nghiệm, mở rộng hình thức trao đổi bù trừ, hội nhập thị trường và tăng tính cạnh tranh qua hoạt động trao đổi, trung hòa các-bon.
Kiến nghị tới Bộ Tài chính
- Đẩy mạnh các hoạt động tài chính xanh, thực hiện phát hành trái phiếu, tín dụng xanh cho các địa phương, doanh nghiệp đặc biệt cho các dự án có quy mô lớn như năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời, tái chế chất thải thúc đẩy các hoạt động áp dụng công nghệ xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn...
- Xây dựng các quy định về quản lý sàn giao dịch tín chỉ các-bon; xây dựng thị trường các-bon bắt buộc; nghiên cứu và đưa ra các giải pháp về thuế các-bon và lộ trình triển khai tại Việt Nam. Xem xét và cần thiết đẩy sớm tiến độ vận hành thí điểm sàn giao dịch các-bon từ 01/01/2024 để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và tăng khả năng cạnh tranh khi các thị trường như EU, My...áp dụng mức thuế, phí các-bon biên giới.
Kiến nghị tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Đẩy mạnh các hoạt động trồng rừng và bảo vệ rừng; xây dựng các cơ chế, hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy thương mại các-bon trong lâm nghiệp với thị trường các-bon trong nước và quốc tế. Phát triển thị trường tín chỉ các-bon rừng tự nguyện cho các tổ chức, cơ sở, người dân được tham gia và hưởng lợi.
- Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể về các hoạt động liên quan tới hấp thụ các-bon của rừng, trao đổi, mua bán thương mại tín chỉ các-bon rừng.
RACE TO NET ZERO là Chiến dịch tầm nhìn và chiến lược, cũng là nỗ lực của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân thực hiện mục tiêu Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là sứ mệnh không thể trì hoãn, xu thế không thể đảo ngược và thể hiện sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, tổ chức, cộng đồng và toàn xã hội.
Chi tiết kiến nghị xem tại đây.