Quảng Ngãi: Di dời hàng nghìn hộ dân vùng lũ đến nơi an toàn

Như Đồng|24/10/2021 02:14
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nước lũ dâng nhanh trên các sông nên Quảng Ngãi đã tổ chức sơ tán hàng nghìn hộ dân ở vùng trũng thấp đến nơi an toàn., ngay trong đêm.

XEM VIDEO: Quảng Ngãi: Di dời hàng nghìn hộ dân đến nơi tránh lũ

Từ chiều tối 23/10, nước lũ dâng cao khiến nhiều vùng thấp trũng ở huyện Bình Sơn bị ngập nặng. Hàng trăm hộ dân đã được khẩn trương di dời đến nơi an toàn. Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Bình Sơn, đến 17 giờ ngày 23/10 UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã triển khai công tác di dời trên 780 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu ở vùng trũng thấp ven sông các xã Bình Minh, Bình Chương, Bình Thuận, Bình Tân Phú… đến nơi ở an toàn.

Ngay trong đêm 23/10, UBND xã Bình Thuận đã di dời khẩn cấp 10 hộ dân ở thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận đến nơi an toàn do nước ngập cục bộ lớn nhanh.

Nước dâng ngập trong đêm 23/10 ở khắp các khu dân cư

Chiều tối cùng ngày Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thị xã Đức Phổ thông tin, nước lũ trên sông Trà Câu đang vượt mức báo động 3. Trong ngày 23/10, người dân và chính quyền địa phương thị xã Đức Phổ đã lên các phương án ứng phó.

Người dân ở phường Phổ Văn, thị xã Đức Phổ kê dọn đồ đạc, chèn bao cát cán nước lũ tràn vào nhà. Nhiều hộ dân vùng hạ lưu sông Trà Câu lo thực hiện ứng phó với lũ.

“Bà con ở đây tấn cát trước nhà hết chứ nước sẽ tràn qua đường vô nhà luôn. Nước tới đâu mình chèn tới đó, cứ chèn lần lên” ông Nguyễn Trung, phường Phổ Văn, thị xã Đức Phổ chia sẻ.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thị xã Đức Phổ đã có chỉ đạo khẩn, yêu cầu các địa phương triển khai hỗ trợ dân di dời đồ đạc cho các hộ dân đang bị ngập, đồng thời sẵn sàng lực lượng, phương tiện di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến khu vực an toàn. Trong đêm nay, nước sông Trà Câu vượt mức báo động 3 khoảng 1 mét thì thị xã Đức Phổ sẽ di dời khoảng 1.000 hộ dân nằm ở khu vực hạ lưu sông Trà Câu và khu vực vùng trũng thấp đến nơi ở tạm.

Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Bình Sơn nước ngập tràn qua đường

Anh Nguyễn Văn Quang, Tổ đội trưởng Tổ dân phố Tập An Nam, phường Phổ Văn, thị xã Đức Phổ cho biết, nước lũ đang lớn và dâng cao nên ở thôn cử lực lượng đi khảo sát để vùng nào ngập lũ thì ra phương án di dời dân mọi lúc.

Tối 23/10, ông Nhâm Xuân Sỹ- Giám đốc đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong 24 giờ qua, lượng mưa ghi nhận tại nhiều khu vực trong tỉnh đã vượt mức kỷ lục năm 2009.

Cụ thể, tính đến 19 giờ 23/10, lượng mưa tại trung tâm TP Quảng Ngãi là 532 mm/24 giờ. Lượng mưa này cao hơn kỷ lục cũ năm 2009 là 525mm/24 giờ. Tại Trà Khúc là 576 mm/24 giờ, cao hơn kỷ lục cũ năm 2009 là 518 mm/24 giờ. Ngoài ra, tại Châu Ổ cũng vượt xa kỷ lục cũ với lượng mưa là 641 mm/24 giờ

“Năm 2009 có cơn bão rất mạnh số 9 – Ketsana đổ bộ trực tiếp gây mưa lớn thì cũng dễ hiểu. nhưng lần này, lượng mưa rất lớn lại có nguyên nhân là do không khí lạnh kết hợp nhiễu động gió đông”, ông Sỹ cho hay.

Hiện tại, nhiều khu vực tại tỉnh Quảng Ngãi đang bị ngập sâu. Tính đến 17 giờ ngày 23.10, các địa phương đã tổ chức di dời, sơ tán trên 800 dân với hơn 2.500 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Tuyến đường ở TP.Quảng Ngãi đêm 23/10 bị ngập sâu trong nước

Theo cơ quan chức năng, dự báo trong 3-6 giờ tới khu vực tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục có mưa vừa mưa to, có nơi mưa rất to.

Nguy cơ cao có thể xảy ra lũ quét tại các sông, suối nhỏ và sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông suối thuộc các huyện vùng núi như Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Minh Long, Nghĩa Hành.

Ngập úng cục bộ tại các vùng thấp, trũng các địa phương thuộc các huyện Bình Sơn, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ, TP Quảng Ngãi.

Như Đồng

Bài liên quan
  • Quảng Ngãi: Dân bất an vì biển xâm thực
    Moitruong.net.vn – Biển xâm thực thời gian qua đã cuốn trôi nhiều diện tích rừng dương và ngày càng lấn sâu vào khu dân cư ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, người dân vô cùng bất an, lo lắng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Ngãi: Di dời hàng nghìn hộ dân vùng lũ đến nơi an toàn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.