(Moitruong.net.vn) – Ngày 6/4 (tức 21/2 năm Mậu Tuất), tại Di tích cấp quốc gia Đình làng xã An Hải, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã diễn ra Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Sự kiện thu hút hàng trăm du khách du lịch tới dự lễ.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là một nét văn hóa đặc sắc của cư dân huyện đảo Lý Sơn, mang đậm tính nhân văn, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân huyện đảo. Vừa tri ân những người có công trong việc gìn giữ biên cương, hải đảo Tổ quốc, vừa góp phần làm yên lòng những người còn sống, thể hiện tính nhân văn cao cả và đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của cha ông ta.
Để tôn vinh và phát huy nét sinh hoạt văn hóa dân gian, năm 2013, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa của người dân đảo Lý Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo sử sách ghi chép lại, vào đầu thế kỷ 17, Chúa Nguyễn đã cho lập đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại làng An Vĩnh và An Hải, nay thuộc huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Mỗi năm sẽ có 70 suất đinh là những trai tráng khỏe mạnh giỏi bơi lội được bổ sung vào đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Đến thế kỷ 19, các dân binh trong đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải chủ yếu là những trai tráng thuộc các tộc họ trên đảo Lý Sơn được giao trọng trách này. Nhiệm vụ của đội dân binh Hoàng Sa là đo đạc hải trình, dựng bia, cắm mốc chủ quyền và thu lượm sản vật tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Trước khi lên thuyền làm nhiệm vụ, các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (lễ tế sống) để động viên những người con ưu tú của quê hương lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Yến Anh (T/h)