Quảng Ninh: Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, bền vững

Châu Anh|31/03/2021 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo mô hình gia trại, trang trại là một trong những xu hướng phát triển của ngành chăn nuôi Quảng Ninh hiện nay.

Trước đó, có nhiều khó khăn đối với ngành chăn nuôi trên cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, nhất là khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên diện rộng. Trước tình hình bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp khoanh vùng, khống chế dịch. Qua đó, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, những thiệt hại đối với ngành chăn nuôi tương đối lớn.

Việc phát triển chăn nuôi nông hộ chủ yếu theo kiểu tự phát, nên thiếu sự ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, việc áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi chưa được chú trọng, do đó năng suất, hiệu quả chăn nuôi thấp, các loại dịch bệnh dễ phát sinh và lây lan…

Chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn tại TP Cẩm Phả

Chính vì thế, để phát triển chăn nuôi tập trung, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4206/QĐ-UBND (ngày 15/12/2016) “Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy lợi tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Kết quả, đến hết năm 2020, vùng chăn nuôi lợn Móng Cái (TP Móng Cái) là 32ha, đạt 32% so với quy hoạch; vùng chăn nuôi gà bản địa, gà Tiên Yên (huyện Tiên Yên) đạt 850.000 con, đạt 100% so với quy hoạch; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên 1.390ha, đạt 39,4% so với quy hoạch.

Toàn tỉnh hiện có 483 trang trại các loại, trong đó có 239 trang trại chăn nuôi. Đặc biệt, nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi theo hướng công nghiệp đã áp dụng công nghệ tiên tiến, tăng nhanh số lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Không chỉ sản xuất tập trung, để nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành chăn nuôi còn định hướng phát triển giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, hỗ trợ các đối tượng vật nuôi bản địa, như gà Tiên Yên, lợn Móng Cái nuôi giữ giống gốc, phát triển đàn giống hậu bị. Toàn tỉnh hiện có khoảng 16.500 con lợn nái Móng Cái, mỗi năm sản xuất được khoảng 330.000 con giống lợn lai F1 để nuôi thương phẩm; trên 420.000 con gà Tiên Yên. Huyện Tiên Yên đã triển khai ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trong sản xuất giống gà này, cơ bản đảm bảo chất lượng, làm tốt công tác phòng dịch, nâng cao năng suất, chất lượng con giống, góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển đàn gà Tiên Yên.

Việc đẩy mạnh chăn nuôi tập trung đã góp phần nâng tổng số đàn gia súc, gia cầm của tỉnh năm sau cao hơn năm trước. Hiện đàn trâu của tỉnh có trên 36.800 con, đàn bò trên 31.600 con, đàn lợn trên 269.500 con, đàn gia cầm trên 3,8 triệu con. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi từ 4.214 tỷ đồng năm 2017 đã tăng lên 4.683 tỷ đồng năm 2020, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 55,4% trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đã phát triển hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung gắn với chế biến sản phẩm. Theo quy hoạch của tỉnh, danh mục mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm gồm 24 địa điểm. Tuy nhiên đến nay mới xây dựng, nâng cấp và đi vào hoạt động 6 cơ sở giết mổ, quy mô công suất 200-250 con/ngày, đạt tỷ lệ 25% so với quy hoạch.

Năm 2025, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu phát triển quy mô đối tượng vật nuôi, vùng chăn nuôi tập trung, phát triển các sản phẩm chủ lực. Trong đó, phấn đấu đàn trâu đạt trên 28.300 con, đàn bò đạt trên 43.000 con; đàn lợn đạt gần 390.000 con; xây dựng 6 vùng chăn nuôi tập trung với hạ tầng đồng bộ thu hút khoảng 200 tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, mỗi địa phương có 1-2 cơ sở, giảm 80% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, đảm bảo 90% số gia súc, gia cầm được giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung.

Cùng với đó, kiểm soát phòng chống dịch bệnh và quản lý chặt chẽ việc sử dụng các chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi, phát triển các giống đặc sản, chăn nuôi hữu cơ tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Sở cũng sẽ chỉ đạo các địa phương kiên quyết di dời, loại bỏ những cơ sở chăn nuôi trong khu vực đông dân cư, không phù hợp với quy hoạch; cương quyết xử lý vi phạm đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Có thể thấy, mô hình chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại; duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Qua đó, lợi ích kinh tế của người chăn nuôi ngày càng được bảo đảm, góp phần cho sự phát triển ổn định của ngành Nông nghiệp.

Châu Anh 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Ninh: Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, bền vững
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.